I. Đầu tư gián tiếp là gì?
Luật Đầu tư năm 2020 không có bất kỳ quy định nào định nghĩa thế nào là đầu tư gián tiếp?
Đầu tư gián tiếp có thể hiểu là Nhà đầu tư (có thể là cá nhân hoặc pháp nhân) không trực tiếp sáng lập ra Dự án đầu tư và/hoặc điều hành dự án ngay từ đầu, mà họ chỉ có tham gia vào sau khi đã có dự án theo hình thức hợp đồng hợp tác hoặc mua lại cổ phần/vốn góp của nhà đầu tư trước đó, làm cơ sở để tham gia vào dự án đầu tư và thực hiện các công việc tiếp theo để điều hành dự án và cùng hưởng các kết quả sau đầu tư.
Đây cũng là hình thức đầu tư được nhiều nhà đầu tư nước ngoài “ưa chuộng” vì:
- Thứ nhất: Họ có thời gian kiểm tra dự án, đánh giá tính khả thi của dự án và hiểu thêm về thị trường cũng như các điều kiện khả thi khác, làm cơ sở cho họ tự tin vào dự án đầu tư;
- Thứ hai: Thủ tục đơn giản, tiện lợi, dễ dàng và nhanh chóng (không bị phức tạp khâu xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ban đầu, mà chỉ cần thực hiện việc ký kết các hợp đồng hợp tác và/hoặc thực hiện thủ tục xin chấp thuận cho mua lại cổ phần/vốn góp;
- Thứ ba: Việc chuyển tiền đầu tư cũng đơn giản và không bị kiểm soát chặt chẽ bằng hình thức đầu tư gián tiếp;
- Thứ tư: Các lần thay đổi thông tin doanh nghiệp về cơ bản sẽ chỉ phải thực hiện một thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh chứ không phải thực hiện cả việc thay đổi giấy chứng nhận đầu tư (đối với những dự án không phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư),…
II. Các hình thức đầu tư gián tiếp
Có 2 hình thức đầu tư gián tiếp là: đầu tư theo hợp đồng hợp tác BCC và/hoặc đầu tư bằng việc mua lại cổ phần, vốn góp, cụ thể:
Hình thức 1: Đầu tư bằng việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế và việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng 3 quy định, điều kiện sau đây:
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;
- Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức như: Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần; Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức như: Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông; Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn; Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh; Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc các trường hợp nêu trên.
Khi thực hiện hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế, Nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện và thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
Nếu là Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Hình thức 2: Đầu tư bằng cách ký kết hợp đồng hợp tác BCC
Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
Nội dung hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
- Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
- Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
- Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
- Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.
III. Điều kiện đầu tư gián tiếp đối với nhà đầu tư nước ngoài
Theo quy định tại pháp luật Việt Nam, đối với Nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, sẽ phải tuân thủ nhiều quy định và điều kiện có liên quan.
Theo đó để xác định chính xác các điều kiện cụ thể là gì? Cần phải xác định được:
- Lĩnh vực, nội dung đầu tư;
- Địa bàn đầu tư;
- Quy mô đầu tư;
- Phương thức đầu tư….
Từ đó sẽ đối chiếu với các quy định chuyên ngành cụ thể để xác định chính xác về điều kiện ngành nghề; về điều kiện góp vốn mua lại vốn (mức tối thiểu hoặc tối đa cho tỷ lệ mua lại hoặc sở hữu vốn) vì có nhiều ngành nghề cấm hoặc hạn chế nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh hoặc nếu được phép kinh doanh thì lại bị áp dụng các điều kiện khác hoặc bị áp khung vốn được phép sở hữu tối đa. Bên cạnh điều kiện đầu tư thì Nhà nước và pháp luật Việt Nam cũng quy định nhiều chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi hỗ trợ đầu tư rất hấp dẫn….vì vậy để có cái nhìn tổng thể về bức tranh đầu tư tại Việt Nam cũng như hiểu sâu sắc các quy định của pháp luật Việt Nam đối với hoạt động đầu tư thì cần thiết phải tham vấn ý kiến của Luật sư và hoặc các đơn vị tư vấn trước khi thực hiện.
Taslaw cung cấp dịch vụ tư vấn hỗ trợ các thủ tục đầu tư trong nước, các dự án đầu tư từ nước ngoài (từ nguồn vốn FDI) vào Việt Nam một cách bảo mật, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các thủ tục đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, xin vui lòng liên hệ với Taslaw để được tư vấn cho từng trường hợp cụ thể.
Công ty Luật TNHH T.A.S
Địa chỉ: Lô 04 BT 4-3 Khu Nhà ở Trung Văn, Vinaconex 3, Tổ Dân phố 17, phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 993 480
Email: taslawcompany@gmail.com.
Website: https://taslaw.vn.