Khi các nhà đầu tư muốn thực hiện dự án kinh doanh, họ có thể thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp vốn vào các công ty. Bên cạnh hình thức mang tính “truyền thống” này, việc đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC cũng sẽ đảm bảo sự nhanh chóng, thuận tiện khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Chủ thể tham gia hình thức này cũng không có sự giới hạn về lãnh thổ với quốc gia, tức nhà đầu tư trong hoặc ngoài nước đều có thể đầu tư theo hình thức này. Để quý bạn có thể hiểu rõ hơn về loại hình đầu tư này, Taslaw xin gửi tới quý bạn đọc bài viết “Đầu Tư Theo Hình Thức Hợp Đồng Hợp Tác Kinh Doanh BCC”.
1. Căn cứ pháp lý
- Luật đầu tư năm 2020;
- Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư;
- Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
- Các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Nội dung hợp đồng BCC
Căn cứ Điều 3.18 Luật Đầu tư 2020, hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Điều 28.1 Luật đầu tư 2020 quy định những nội dung chủ yếu của Hợp đồng BCC gồm:
- Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
- Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
- Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
- Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
- Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia cũng cần thỏa thuận một số vấn đề như: sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp (Điều 28.2 Luật đầu tư 2020) và các bên cũng có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật (Điều 28.3 Luật đầu tư 2020).
Các bên tham gia hợp đồng BCC cũng cần thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng. Theo đó, các bên sẽ thỏa thuận với nhau về quy định của ban điều phối, bao gồm những nội dung như: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối (Điều 27.3 Luật đầu tư 2020).
3. Cách thức thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh
Căn cứ theo Điều 27.1 và Điều 27.2 Luật Đầu tư 2020, thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh sẽ có hai cách thức sau:
-
Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước (thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự)
-
Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư Việt Nam
3.1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước
Do hợp đồng BCC được ký kết thuần theo pháp luật Việt Nam (do không có yếu tố nước ngoài) nên sẽ tuân theo quy định tại các điều từ Điều 504 đến Điều 512 Bộ luật dân sự 2015.
Theo đó, các bên sẽ lập hợp đồng thành văn bản và cùng nhau thỏa thuận về các vấn đề như: việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm (Điều 504.1).Khi tham gia thực hiện giao dịch liên quan đến dự án, các thành viên hợp tác phải cùng tham gia xác lập, thực hiện, trừ trường hợp đã cử một người đại diện thay mặt thực hiện giao dịch.
Căn cứ Điều 506.1, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác. Như vậy, các thành viên hợp tác chịu trách nhiệm dân sự chung bằng tài sản chung. Trường hợp không đủ thì phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng theo phần tương ứng với phần đóng góp của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác hoặc theo thỏa thuận của các bên, nhà đầu tư được rút khỏi hợp đồng hợp tác, nhận lại tài sản đã đóng góp và được chia phần tài sản trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ theo thỏa thuận.
Căn cứ Điều 512.1, hợp đồng hợp tác chấm dứt trong trường hợp sau đây:
- Theo thoả thuận của các thành viên hợp tác;
- Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác;
- Mục đích hợp tác đã đạt được;
- Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Trường hợp khác theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.
3.2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư Việt Nam
Nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
- Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
- Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm i nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
Nếu không thuộc một trong các điều kiện nêu trên, nhà đầu tư thực hiện Hợp đồng BCC như những nhà đầu tư trong nước (đã nêu tại Mục 3.1 của bài viết).
Trình tự thực hiện:
- Nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc Thủ tướng chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu thuộc trường hợp quy định tương ứng tại các Điều 34, 35 và 36 của Luật đầu tư năm 2020.
- Nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 Luật đầu tư năm 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan.
4. Thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện hợp đồng BCC
Để đảm bảo các bên thực hiện đúng hợp đồng, dễ dàng cho việc quản lý, pháp luật cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam. Điều 49 Luật Đầu tư 2020 quy định chi tiết về vấn đề này.
4.1. Đặc điểm chung của văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện Hợp đồng BCC
Theo quy định tại Điều 49.1 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC quyết định lựa chọn địa điểm văn phòng theo yêu cầu thực hiện hợp đồng.
Theo quy định tại Điều 49.2 Luật Đầu tư 2020, văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC có con dấu; được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, ký hợp đồng và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quyền và nghĩa vụ quy định tại hợp đồng BCC và Giấy chứng nhận đăng ký thành lập văn phòng điều hành.
4.2. Thủ tục thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong Hợp đồng BCC
Hồ sơ đăng ký thành lập:
(1) Văn bản đăng ký thành lập văn phòng điều hành gồm tên và địa chỉ văn phòng đại diện tại Việt Nam (nếu có) của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC; tên, địa chỉ văn phòng điều hành; nội dung, thời hạn, phạm vi hoạt động của văn phòng điều hành; họ, tên, nơi cư trú, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của người đứng đầu văn phòng điều hành;
(2) Quyết định của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC về việc thành lập văn phòng điều hành;
(3) Bản sao quyết định bổ nhiệm người đứng đầu văn phòng điều hành;
(4) Bản sao hợp đồng BCC.
Cơ quan tiếp nhận và giải quyết thủ tục: Cơ quan đăng ký đầu tư nơi dự kiến đặt văn phòng điều hành
Trình tự thực hiện:
(1) Nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC nộp một bộ hồ sơ đăng ký thành lập văn phòng điều hành tại Cơ quan đăng ký đầu tư nơi dự kiến đặt văn phòng điều hành.
(2) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành cho nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC.
4.3. Thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong Hợp đồng BCC
Việc chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC được quy định tại Điều 50 Luật Đầu tư 2020. Cụ thể như sau:
Các trường hợp chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành: Khi nhận thấy hoạt động của văn phòng điều hành không hiệu quả hoặc không còn cần thiết, nhà đầu tư nước ngoài được quyền ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành.
Hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành gồm:
(1) Quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành trong trường hợp văn phòng điều hành chấm dứt hoạt động trước thời hạn;
(2) Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán;
(3) Danh sách người lao động và quyền lợi người lao động đã được giải quyết;
(4) Xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế;
(5) Xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đã hoàn thành nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội;
(6) Xác nhận của cơ quan công an về việc hủy con dấu;
(7) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành;
(8) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
(9) Bản sao hợp đồng BCC.
Trình tự thực hiện chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành gồm:
(1) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành, nhà đầu tư nước ngoài gửi hồ sơ thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt văn phòng điều hành.
(2) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành.
5. Dịch vụ tư vấn đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC tại TasLaw
Đặt uy tín và quyền lợi của Quý khách hàng lên hàng đầu, cùng đội ngũ chuyên viên dày dặn kinh nghiệm, Taslaw tự tin cung cấp những thông tin pháp lý cần thiết liên quan vấn đề đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC. Để đảm bảo sự nhanh chóng và thuận tiện cho khách hàng, chúng tôi cung cấp những dịch vụ pháp lý sau:
-
Tư vấn khái quát về quyền, nghĩa vụ khi trở thành nhà đầu tư trong hợp đồng BCC và những vấn đề pháp lý liên quan
-
Chuẩn bị hồ sơ đăng ký văn phòng điều hành đối với nhà đầu tư nước ngoài
-
Đại diện quý khách hàng đăng ký và nộp hồ sơ
-
Trao hồ sơ tận tay quý khách hàng
-
Giải quyết sự cố phát sinh trong quá trình làm thủ tục, chịu trách nhiệm trong phạm vi của mình.
Quý khách quan tâm dịch vụ vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH T.A.S
Địa chỉ: Số 4 ngách 56 ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0944 993 480
Email: taslawcompany@gmail.com
Website: https://taslaw.vn