Hợp đồng là sự thỏa thuận được thiết lập giữa các bên trong một mối quan hệ. Hợp đồng là được thể hiện dưới nhiều hình thức và trong đa dạng lĩnh vực, chính vì thế, các quy định pháp luật về hợp đồng cũng rất phức tạp và trải dài ở nhiều văn bản pháp luật. Hợp đồng có yếu tố nước ngoài là một trong những loại hợp đồng được quy định ở nhiều văn bản pháp luật trong nước và cả trong những điều ước quốc tế, khó xác định khi có tranh chấp phát sinh. Trong bài viết này, TasLaw sẽ chia sẻ một số vấn đề trong quy định pháp luật về hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
1. Quy định chung về yếu tố nước ngoài
Yếu tố nước ngoài là một thuật ngữ trong tư pháp quốc tế, dùng để chỉ những yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật mà những yếu tố đó có liên quan đến nước ngoài. Trong đó, yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật bao gồm: Chủ thể, khách thể và nội dung của quan hệ pháp luật. Như vậy, những yếu tố nước ngoài bao gồm: Chủ thể của quan hệ pháp luật có liên quan đến nước ngoài, khách thể của quan hệ pháp luật có liên quan đến nước ngoài và nội dung của quan hệ pháp luật có liên quan đến nước ngoài.
2. Yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế
Theo quy định tại khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015, các yếu tố nước ngoài được xác định cụ thể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
-
Về chủ thể: Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Ví dụ: Công dân Việt Nam kết hôn với công dân Hoa Kỳ; Người Việt Nam mua hàng của công ty Thái Lan…
-
Về khách thể: Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ đó ở nước ngoài. Ví dụ: Tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn người Việt Nam về bất động sản tại nước ngoài…
-
Về nội dung: Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài. Ví dụ: Tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn người Việt nam về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ ở nước ngoài…
3. Hình thức hợp đồng có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại khoản 7 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng có yếu tố nước ngoài, hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức đó được công nhận tại Việt Nam.
Như vậy, tùy theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài lựa chọn pháp luật áp dụng mà mỗi hợp đồng sẽ có một hình thức riêng. Hình thức của hợp đồng có yếu tố nước ngoài có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi. Thậm chí, theo Điều 11 của Công ước Viên 1980 (CISG) về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không cần phải ký kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay tuân thủ một yêu cầu nào khác về hình thức của hợp đồng. Hợp đồng có thể chứng minh bằng mọi cách, kể cả lời khai của nhân chứng.
4. Quyền tự do lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài
Quyền tự do lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài là một chế định trong quan hệ pháp luật hợp đồng có yếu tố nước ngoài được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, thể hiện ở cả pháp luật một số quốc gia và hệ thống pháp luật quốc tế.
Điều 664 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, theo đó pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam. Nếu trong các điều ước quốc tế đó hoặc luật Việt Nam có quy định các bên được lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ có yếu tố nước ngoài đó do các bên thỏa thuận. Ngoài ra, trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo Điều 664 thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó (Nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được giải thích tại khoản 2 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015).
Ngoài ra, theo Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015, các bên trong quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ các trường hợp tại khoản 4, 5 và 6 Điều này (Đối tượng của hợp đồng là bất động sản hoặc pháp luật được các bên lựa chọn trong quan hệ hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng mà ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng).
5. Điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng
5.1. Điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng
Hiện nay pháp luật Việt Nam không quy định về điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng là một loại thỏa thuận theo hợp đồng, mà hợp đồng là một loại giao dịch dân sự, do đó, thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng là một giao dịch dân sự và phải tuân theo quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.
Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự bao gồm:
-
Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch xác lập;
-
Chủ thể tham gia giao dịch một cách tự nguyện;
-
Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
5.2. Hình thức thể hiện của thỏa thuận
Hiện nay pháp luật Việt Nam không quy định về hình thức thể hiện của thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật. Thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật của hợp đồng có yếu tố nước ngoài có thể được thể hiện trong chính hợp đồng đó hoặc được thể hiện bằng một thỏa thuận riêng biệt khác với hợp đồng chính.
-
Trong trường hợp thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật của các bên được thể hiện trong hợp đồng chính, hình thức thỏa thuận này mặc định sẽ tuân theo hình thức của hợp đồng chính (hợp đồng có yếu tố nước ngoài chứa thỏa thuận đó). Trường hợp này xem lại mục 3. Hình thức hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
-
Trong trường hợp thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật của các bên được thể hiện riêng biệt với hợp đồng chính, thỏa thuận này được coi là một giao dịch dân sự và vì thế phải tuân thủ các quy định về hình thức của giao dịch dân sự. Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015, hình thức của giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong cả hai trường hợp, thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật đều chỉ tồn tại cùng với hợp đồng chính. Vì vậy, các bên cho dù lựa chọn hình thức thể hiện của thỏa thuận nào thì cũng phải tuân theo hình thức của hợp đồng chuyên ngành (nếu có).
Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên thỏa thuận áp dụng pháp luật Việt Nam thì theo quy định của Luật Thương mại 2005, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Trong trường hợp này thì thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật giữa các bên mặc dù có thể thể hiện trong hợp đồng chính hoặc riêng biệt, nhưng bắt buộc phải thể hiện bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
5.3. Khả năng lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật cho hợp đồng
Hiện nay pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể việc hợp đồng có yếu tố nước ngoài có thể lựa chọn nhiều pháp luật áp dụng hay không. Dựa theo nguyên tắc tự do thỏa thuận và các nội dung về lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài, việc lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật áp dụng là có thể. Tuy nhiên, với mỗi hệ thống pháp luật có thể có những quy định khác nhau, vì vậy để thuận tiện cho việc thực hiện quyền tư pháp, việc lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật áp dụng đối với một hợp đồng là không cần thiết.
6. Giới hạn của quyền tự do lựa chọn pháp luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng
6.1. Giới hạn về phạm vi
Theo quy định tại khoản 4 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng có yếu tố nước ngoài, trường hợp đối tượng của hợp đồng là bất động sản thì việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản phải áp dụng pháp luật của nước nơi có bất động sản. Ví dụ: Hợp đồng tranh chấp mảnh đất tại Việt Nam giữa nguyên đơn là người Việt Nam và bị đơn là người Hoa Kỳ thì hai bên phải lựa chọn pháp luật Việt Nam là pháp luật áp dụng.
6.2. Giới hạn về nội dung pháp luật
Theo quy định tại khoản 5 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng có yếu tố nước ngoài, trường hợp pháp luật áp dụng được các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động hoặc hợp đồng tiêu dùng ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng. Ví dụ: anh A (người nước ngoài) và công ty B (công ty nước ngoài ở Việt Nam) ký kết hợp đồng lao động tại Việt Nam, pháp luật áp dụng được cả 02 bên lựa chọn là pháp luật quốc gia của công ty B. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật nước này, quyền lợi tối thiểu của anh A bị ảnh hưởng so với quy định pháp luật Việt Nam thì pháp luật được áp dụng được thay thế bằng pháp luật Việt Nam.
6.3. Giới hạn về hậu quả áp dụng pháp luật nước ngoài và chứng minh pháp luật nước ngoài
Theo quy định tại Điều 670 Bộ luật Dân sự 2015 về trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài, có 02 trường hợp:
-
Khi hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Theo đó, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 4 Bộ luật Dân sự 2015.
-
Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài, pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng thay thế.
7. Các bên khi không lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng
7.1. Lựa chọn pháp luật dựa trên điều ước quốc tế hoặc pháp luật Việt Nam
Theo quy định tại Điều 664 Bộ luật Dân sự 2015 về xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, theo đó pháp luật áp dụng có thể do các bên lựa chọn (khoản 2). Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không lựa chọn pháp luật áp dụng thì pháp luật áp dụng sẽ là điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam (theo khoản 1). Theo khoản 1 thì trong trường hợp này, điều ước quốc tế sẽ được ưu tiên áp dụng hơn so với luật Việt Nam.
7.2 Lựa chọn pháp luật áp dụng dựa trên quy phạm xung đột
Theo khoản 3 Điều 664 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp các bên không thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật và không thể áp dụng phương pháp lựa chọn dựa trên điều ước quốc tế hoặc luật Việt Nam, thì sẽ áp dụng pháp luật của quốc gia có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Theo đó, khoản 2 Điều 683 quy định chi tiết nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
8. Công chứng hợp đồng có yếu tố nước ngoài
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không quy định về việc công chứng hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, việc công chứng hợp đồng có yếu tố nước ngoài sẽ tuân theo các quy định về công chứng hợp đồng thông thường. Các quy định pháp luật về công chứng hợp đồng được quy định trong Luật Công chứng 2014.
9. TasLaw cung cấp dịch vụ tư vấn hợp đồng có yếu tố nước ngoài
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn hợp đồng có yếu tố nước ngoài, được kiểm chứng qua những Quý khách hàng luôn tin tưởng và hài lòng với chất lượng dịch vụ. Taslaw xin cam kết sẽ đem đến cho Quý khách hàng những dịch vụ tận tâm, chuyên nghiệp nhất về tư vấn hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Các dịch vụ tư vấn của Taslaw bao gồm:
-
Tư vấn chi tiết các quy định pháp luật về hợp đồng có yếu tố nước ngoài
-
Tham gia đàm phán cùng Quý khách hàng để đảm bảo quyền lợi về mặt pháp lý
-
Tham gia soạn thảo hợp đồng theo yêu cầu của Quý khách
-
Giải quyết các vấn đề tranh chấp phát sinh trong quá trình giao kết hợp đồng
Công ty Luật TNHH T.A.S
Địa chỉ: Số 4 ngách 56 ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0944 993 480
Email: taslawcompany@gmail.com
Website: https://taslaw.vn