Hợp đồng tín dụng là văn bản thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân về việc chuyển giao một khoản tiền cho bên vay sử dụng trong một thời gian nhất định dựa trên nguyên tắc hoàn trả. Bài viết dưới đây, TASLAW xin giới thiệu tới các bạn về những vấn đề liên quan tới Hợp Đồng Tín Dụng Ngân Hàng.
1. Hợp đồng tín dụng là gì?
Hợp đồng tín dụng về bản chất là những hợp đồng cho vay tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Hợp đồng tín dụng là thỏa thuận bằng văn bản giữa tổ chức tín dụng (gọi là bên cho vay) với khách hàng là tổ chức, cá nhân (gọi là bên vay), theo đó tổ chức tín dụng thỏa thuận ứng trước một số tiền cho khách hàng sử dụng trong một thời hạn nhất định, với điều kiện có hoàn trả cả gốc và lãi, dựa trên sự tín nhiệm.
2. Đặc điểm của hợp đồng tín dụng
- Về chủ thể: Bên cho vay bắt buộc phải là tổ chức tín dụng, có đủ điều kiện luật định, còn bên vay có thể là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có đủ điều kiện vay vốn do pháp luật quy định.
- Về hình thức: Hợp đồng tín dụng ngân hàng luôn luôn được lập thành văn bản. Hợp đồng tín dụng ngân hàng đa phần là hợp đồng theo mẫu, chứng thực phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên.
- Về đối tượng: Hợp đồng tín dụng ngân hàng có đối tượng là những khoản vốn được thể hiện dưới hình thức tiền tệ. Về nguyên tắc, đối tượng của hợp đồng tín dụng bao giờ cũng phải là một số tiền xác định và phải được các bên thoả thuận, ghi rõ trong văn bản hợp đồng.
- Về thời hạn: Là loại hợp đồng luôn được xác định thời hạn trước và thời hạn đó được ghi nhận trong nội dung hợp đồng.
- Về lợi nhuận: Là hợp đồng luôn nhằm mục đích thu lợi nhuận.
- Về tính rủi ro: Hợp đồng tín dụng vốn chứa đựng nguy cơ rủi ro rất lớn cho quyền lợi của bên cho vay. Sở dĩ như vậy là vì theo cam kết trong hợp đồng tín dụng, bên cho vay chỉ có thể đòi tiền của bên vay sau thời hạn nhất định. Thời hạn cho vay càng dài thì nguy cơ rủi ro và bất trắc càng lớn và vì thế tổ chức tín dụng càng phải quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp quản trị rủi ro, đồng thời phải quy định lãi suất cho vay cao hơn nhằm thu hồi đủ các chi phí bỏ ra cho việc quản lý các khoản cho vay dài hạn vốn có mức độ rủi ro cao.
3. Phân loại hợp đồng tín dụng
3.1. Căn cứ vào thời hạn sử dụng vốn
– Cho vay ngắn hạn: là hình thức cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng với thời hạn sử dụng vốn vay do các bên thỏa thuận là đến một năm. Hình thức này chủ yếu đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động của khách hàng trong hoạt động kinh doanh hoặc thỏa mãn nhu cầu về tiêu dùng của khách hàng trong một thời hạn ngắn.
– Cho vay trung và dài hạn: hình thức này khác cho vay ngắn hạn là với thời gian thỏa thuận là từ trên một năm trở lên. Người đi vay sử dụng hình thức này để thỏa mãn nhu cầu mua sắm tài sản cố định trong kinh doanh, thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng như mua sắm nhà ở, phương tiện đi lại…
3.2. Căn cứ vào tính chất có bảo đảm của khoản vay
– Cho vay có bảo đảm bằng tài sản: là hình thức cho vay trong đó nghĩa vụ trả nợ tiền vay được bảo đảm bằng tài sản của bên vay hoặc của người thứ ba. Việc cho vay này phải được bảo đảm dưới hình thức ký kết cả hai loại hợp đồng, bao gồm hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm tiền vay (hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh). Pháp luật cũng cho các bên có thể thỏa thuận lập một hợp đồng nên trong trường hợp này các thỏa thuận về bảo đảm tiền vay được xem là một bộ phận hợp thành của hợp đồng có bảo đảm bằng tài sản.
– Cho vay không có bảo đảm bằng tài sản: là hình thức cho vay trong đó nghĩa vụ hoàn trả tiền vay không được bảo đảm bằng các tài sản cụ thể, xác định của khách hàng vay hoặc của người thứ ba. Thông thường các bên chỉ giao kết một hợp đồng duy nhất là hợp đồng tín dụng. Trong trường hợp tổ chức tín dụng cho vay có bảo đảm bằng tín chấp thì vẫn phải xác lập một văn bản cam kết bảo lãnh bằng uy tín của mình và gửi cho tổ chức tín dụng để khách hàng vay có thể được tổ chức tín dụng chấp nhận cho vay.
3.3. Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn
– Cho vay kinh doanh: là hình thức cho vay trong đó các bên cam kết số tiền vay sử dụng vào mục đích thực hiện các công việc kinh doanh của mình. Nếu bên vay vi phạm sử dụng vào những mục đích khác thì bên cho vay có quyền áp dụng các chế tài thích hợp như đình chỉ việc sử dụng vốn vay hoặc thu hồi vốn vay trước thời hạn…
– Cho vay tiêu dùng: bên tham gia vay cam kết số tiền vay sẽ được sử dụng vào việc thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt hay tiêu dùng như mua sắm đồ gia dụng, mua sắm nhà cửa hoặc phương tiện đi lại, hay sử dụng vào mục đích học tập…
3.4. Căn cứ vào phương thức cho vay
– Cho vay từng lần: Mỗi lần vay vốn, khách hàng và TCTD làm thủ tục vay vốn cần thiết và ký kết hợp đồng tín dụng. TCTD áp dụng phương thức cho vay này khi khách hàng vay có nhu cầu vay vốn không thường xuyên. Mỗi lần có nhu cầu vay vốn, khách hàng lập hồ sơ vay vốn theo quy định.
– Cho vay theo dự án đầu tư: TCTD cho khách hàng vay vốn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các dự án đầu tư phục vụ đời sống.
– Cho vay hợp vốn: Theo phương thức này, một nhóm TCTD cùng thực hiện cho vay đối với một dự án vay vốn hoặc phương án vay vốn của khách hàng; trong đó, một tổ chức tín dụng làm đầu mối dàn xếp. Cho vay hợp vốn được thực hiện theo quy chế này và quy chế đồng tài trợ của các TCTD do Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành.
– Cho vay trả góp: Khi vay, tổ chức tín dụng và khách hàng xác định và thoả thuận số lãi vốn vay phải trả cộng với số nợ gốc được chia ra để trả nợ theo nhiều kỳ hạn trong thời hạn cho vay.
– Cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng: TCTD chấp nhận cho khách hàng được sử dụng số vốn vay trong phạm vi hạn mức tín dụng để thanh toán tiềm mua hàng hoá, dịch vụ và rút tiền mặt tại máy rút tiền tự động hoặc điểm ứng tiền mặt là đại lý của TCTD. Việc cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng theo quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.
– Cho vay theo hạn mức tín dụng dự phòng: TCTD cam kết đảm bảo sẵn sàng cho khách hàng vay vốn trong phạm vi hạn mức tín dụng nhất định để đầu tư cho dự án. TCTD và khách hàng thoả thuận thời hạn hiệu lực của hạn mức tín dụng dự phòng, mức trả phí cho hạn mức tín dụng dự phòng.
– Cho vay theo hạn mức thấu chi: Là việc cho vay mà TCTD thoả thuận bằng văn bản chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng phù hợp với các quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
4. Nội dung cần có trong mẫu hợp đồng tín dụng
Trong hợp đồng tín dụng gồm các nội dung cơ bản sau:
- Thông tin của tổ chức tín dụng cho vay: Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp;
- Thông tin của khách hàng: Tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc mã số doanh nghiệp.
- Số tiền cho vay;
- Mục đích sử dụng vốn vay;
- Đồng tiền cho vay, đồng tiền trả nợ;
- Phương thức cho vay;
- Thời hạn cho vay;
- Lãi suất cho vay;
- Quyền và trách nhiệm của các bên;
- Các trường hợp chấm dứt cho vay; thu nợ trước hạn; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ trước hạn khi tổ chức tín dụng chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn;
- Xử lý nợ vay; phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; quyền và trách nhiệm của các bên;
- Hiệu lực của Hợp đồng tín dụng.
5. Mẫu hợp đồng tín dụng ngân hàng theo quy định pháp luật
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------
HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Số:……./HĐTD
Căn cứ
- Bộ Luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015
- Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010
- Thỏa thuận của hai bên
Hôm nay, ngày …tháng… năm…
Chúng tôi gồm:
BÊN CHO VAY (BÊN A):....................................................................
Địa chỉ: ....................................................................................
Điện thoại:.............................................................................
Fax:..................................................................................
Tài khoản số:..................................................................
Đại diện:...................................................................................................
Chức vụ:........................................................................................
BÊN VAY (BÊN B): ..........................................................
Địa chỉ: ......................................................................
Điện thoại:.........................................................................
Fax:....................................................................................
Tài khoản số:.....................................................................
Tại:.....................................................................................
Hai bên thống nhất việc Bên A cho Bên B vay vốn từ nguồn quỹ của A theo các điều kiện sau đây:
Điều 1: Nội dung cho vay:
Bên A cho Bên B vay tổng số tiền vay bằng số là: ………….. bằng chữ là:………………
Điều 2: Mục đích sử dụng tiền vay:
Số tiền vay sẽ được sử dụng vào mục đích kinh doanh trong Bản dự án kinh doanh được đính kèm theo hợp đồng.
Điều 3: Biện pháp đảm bảo:
2.1 Hai bên thống nhất biện pháp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hợp đồng là
- Cầm cố bằng.......................................................................................
- Thế chấp bằng..............................................................................
- Các biện pháp đảm bảo khác theo thỏa thuận của hai bên
2.2 Chi tiết về biện pháp và tài sản đảm bảo được cụ thể trong các giấy tờ chứng thực liên quan đính kèm cùng hợp đồng.
Điều 4: Thời hạn cho vay:
4.1 Thời hạn cho vay là:…… tháng, từ ngày …tháng …năm …đến ngày… tháng… năm….
4.2 Ngày trả nợ cuối cùng là: ngày … tháng… năm…
Điều 5: Lãi suất cho vay và phương thức thanh toán nợ, nợ quá hạn:
5.1 Lãi suất cho vay là ..…%/tháng được tính trên tổng số tiền vay.
5.2 Tiền lãi được tính trên tổng số tiền vay, theo lãi suất cho vay nhân với thời gian vay. Thời gian vay được kể từ ngày Bên B nhận tiền vay đến ngày trả hết nợ gốc và lãi (kể cả lãi quá hạn nếu có)
5.3 Trường hợp Bên B nhận tiền vay thành nhiều lần thì mỗi lần nhận tiền vay, hai bên ký Phiếu thu hoặc Biên lai nhận nợ. Phiếu thu, biên lai nhận nợ được đính kèm cùng Hợp đồng này.
5.4 Lãi suất nợ quá hạn: Trường hợp đến kỳ trả nợ gốc và lãi, nếu Bên B không thanh toán toàn bộ nợ (gốc và lãi) mà không có thoả thuận nào khác với Bên A thì Bên B phải chịu lãi suất nợ quá hạn bằng …..% (…………….. mươi phần trăm) lãi suất cho vay.
5.5 Nếu hết hạn ……. mà Bên B không thể thanh toán các khoản nợ thì Bên A áp dụng các biện pháp đảm bảo như đã thỏa thuận.
5.6 Các bên thoản thuận thứ tự thu nợ.
Điều 6: Quyền và nghĩa vụ của Bên A:
6.1 Có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Quy chế vay vốn của Bên A.
6.2 Yêu cầu Bên B thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết.
6.3 Ngừng cho vay, chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện Bên B cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng.
6.4 Giao cho Bên B tiền vay theo lịch trình đã thoả thuận tại Hợp đồng này.
6.5 Nhận tiền lãi vay hàng tháng, lãi suất nợ quá hạn trong trường hợp đến kỳ thanh toán mà Bên B không trả được nợ.
6.6 Áp dụng các biện pháp đảm bảo theo thỏa thuận để đảm bảo quyền lợi của mình.
Điều 7: Quyền và nghĩa vụ của Bên B:
7.1 Yêu cầu Bên A thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết.
7.2 Từ chối các yêu cầu của Bên A không đúng với các thỏa thuận trong Hợp đồng này.
7.3 Sử dụng tiền vay đúng mục đích và thực hiện đúng các nội dung khác đã thỏa thuận trong Hợp đồng vay vốn.
7.4 Thanh toán đầy đủ, đúng hạn toàn bộ nợ (gốc và lãi) cho Bên A.
7.5 Chịu trách nhiệm trước Bên A, trước pháp luật khi không thực hiện đúng cam kết theo Hợp đồng này hoặc quy chế vay vốn của Bên A.
Điều 8: Sửa đổi, bổ sung hợp đồng:
Các điều khoản trong Hợp đồng này có thể được sửa đổi theo thỏa thuận của hai bên. Bất kì sửa đổi nào cũng phải được lập thành văn bản và có sự xác nhận của hai bên.
Điều 9: Giải quyết tranh chấp:
Mọi tranh chấp về Hợp đồng sẽ được hai bên giải quyết bằng thỏa thuận, nếu không thể giải quyết bằng thỏa thuận thì hai bên có thể đưa tranh chấp ra Tòa án nhân dân …. để giải quyết.
Điều 10: Hiệu lực và số bản của hợp đồng:
10.1 Hợp đồng có hiệu lực từ ngày kí kết và chấm dứt khi các bên hoàn thành các nghĩa vụ trong Hợp đồng.
10.2 Hợp đồng này được lập thành ………bản và có giá trị pháp lý ngang nhau, mỗi bên giữ ….. bản.
ĐẠI DIỆN BÊN A
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
ĐẠI DIỆN BÊN B
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
6. Vay theo hợp đồng tín chấp cũ Fecredit có được không?
Hiện nay, cái tên tổ chức tín dụng fecredit được nhắc đến khá nhiều trên các phương tiện truyền thông, mọi người tìm kiếm thông tin của tổ chức này khá nhiều. Với hình thức cho vay khá đơn giản, nhanh chóng và tiện lợi khiến người đi vay cảm thấy rất nhàn, không mất nhiều thời gian mà tiền lại được đổ về tài khoản luôn, chỉ cần thao tác thông qua áp ứng dụng vay mà không cần ra trực tiếp trụ sở để làm việc.
Điều này làm thu hút Khách hàng, song nhiều Khách hàng cũng gặp phải không ít rủi ro. Thực tế, nhiều Khách hàng đã có hợp đồng tín chấp, tức là Khách đã từng vay tiền của Fecredit và nhiều khách hàng khi thanh toán khoản vay xong được bên tổ chức tín dụng mời vay tiếp thì không có ký hợp đồng mới mà lại lấy luôn hợp đồng cũ để thực hiện.
Việc này chúng tôi nghĩ là không nên, khi kết thúc một khoản vay thì để tránh các vấn đề phát sinh không mong muốn sau này và để đảm bảo quyền lợi cho người đi vay thì Khách hàng vay nên chấm dứt, thanh lý hợp đồng vay, sau đó mới tiếp tục thực hiện các khoản vay tiếp theo khi có nhu cầu.
7. Tư vấn soạn thảo mẫu hợp đồng tín dụng tại TasLaw
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ tư vấn, soạn thảo các loại hợp đồng được pháp luật Việt Nam quy định cho khách hàng, Taslaw tự tin vào chất lượng dịch vụ và chuyên môn của đội ngũ, nhân viên. Chúng tôi sẽ giúp khách hàng hoàn thiện Hợp Đồng Tín Dụng Ngân Hàng theo yêu cầu một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Quý khách quan tâm dịch vụ vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH T.A.S
Địa chỉ: Số 4 ngách 56 ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0944 993 480
Email: taslawcompany@gmail.com
Website: https://taslaw.vn