Thời đại khoa học công nghệ soán ngôi, những chính sách của pháp luật cũng cần thay đổi để phù hợp với xu thế của xã hội. Quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ở đời sống hàng ngày, nhìn qua mắt thường mà giờ có thể nhìn qua màn hình thiết bị thông minh. Vấn đề pháp lý liên quan quyền sở hữu trí tuệ trong mối tương quan với các sàn thương mại điện tử hiện nay sẽ được TasLaw gửi tới quý bạn đọc qua bài viết: Vấn Đề Pháp Lý Về Sở Hữu Trí Tuệ Trong Thương Mại Điện Tử.
1. Ý nghĩa của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử
Căn cứ Điều 6 quy định về căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ thì Quyền sở hữu công nghiệp đối với đối tượng xác định tại Điều 6 khoản 1 được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Do đó, chủ thể muốn được pháp luật bảo hộ quyền của mình thì cần đăng ký bằng sáng chế.
Thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng của thời đại toàn cầu hóa, đây là lĩnh vực tiềm năng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ sinh lợi và phát triển, cơ hội cho những ai muốn khởi nghiệp kinh doanh theo mô hình mới. Bảo hộ sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử đóng một ý nghĩa quan trọng với doanh nghiệp. Trước sự phát triển của internet, một thương hiệu sẽ trở nên nhạt nhòa nếu sự hiện diện của họ trên nền tảng số không rõ rệt. Thương hiệu là công cụ sống còn của doanh nghiệp kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Chủ sở hữu thương hiệu cần biết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bởi sàn thương mại là một không gian lớn, sự xâm hại quyền có thể diễn ra nhanh chóng, chủ thể có quyền cũng khó có thể bao quát được.
2. Thực trạng áp dụng pháp luật về sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử
SHTT là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong giai đoạn hiện nay khi hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng và thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Pháp luật SHTT có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ một cách hữu hiệu quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể đối với kết quả là hoạt động sáng tạo, đồng thời bảo đảm sự lành mạnh của các mối quan hệ xã hội. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT ở Việt Nam, hiện tượng vi phạm quyền SHTT trên các trang web TMĐT diễn ra tràn lan và việc xử lý vi phạm lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề vi phạm quyền SHTT trong TMĐT không chỉ là nguyên nhân cơ bản kìm hãm sự phát triển của TMĐT ở Việt Nam, mà còn gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Với giới hạn phạm vi của bài báo này, tác giả chỉ đề cập đến quyền SHTT trong môi trường Internet, đặc biệt là các quyền SHTT bị vi phạm phổ biến.
Quyền tác giả. Hiện nay, mặc dù pháp luật Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ quyền tác giả trong các điều ước quốc tế, nhưng thực trạng xâm phạm quyền tác giả trong môi trường Internet tại Việt Nam vẫn còn ở mức rất phổ biến. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Trong đó, tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
Quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam đã bao trùm các lĩnh vực trong đời sống xã hội từ văn học, nghệ thuật đến khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật Việt Nam: quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, quyền tác giả không chỉ bao trùm nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội mà còn được bảo vệ ngay khi tác phẩm được hoàn thành, không yêu cầu tác giả phải tiến hành bất cứ thủ tục mang tính chất hành chính nào, cũng không phải đáp ứng các điều kiện về hình thức hay nội dung.
Quyền tác giả đối với tác phẩm theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân trong quyền tác giả đối với tác phẩm gồm có: quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; quyền được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền ông bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Quyền tài sản trong quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm các quyền sau đây: quyền làm tác phẩm phái sinh; quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng; quyền sao chép tác phẩm; quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính. Quyền về tài sản do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của pháp luật về SHTT. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền trong nội dung quyền tác giả đối với tác phẩm theo quy định của pháp luật về SHTT thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Dưới góc độ của pháp luật về SHTT thì, chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Do chương trình máy tính là một sản phẩm có tính chất đặc thù nên quyền tác giả đối với chương trình máy tính cũng được pháp luật về SHTT quy định một cách cụ thể.
Theo đó, chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Như vậy, theo quy định của pháp luật về SHTT của Việt Nam, chương trình máy tính tồn tại dưới dạng mã nguồn (code) hay mã máy (đã được dịch từ code) thì đều được pháp luật bảo hộ.
Tuy nhiên, pháp luật về SHTT của Việt Nam chỉ bảo hộ chương trình máy tính hoàn chỉnh chứ không bảo hộ một đoạn mã (code), cho dù đoạn mã đó chứa nội dung chủ yếu của một chương trình. Mặc dù theo quy định của pháp luật về SHTT của Việt Nam, trong một số trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao, nhưng các trường hợp này không được áp dụng đối với chương trình máy tính.
Tên miền. Tên miền của doanh nghiệp có tác dụng để nhận diện doanh nghiệp đó cũng như để phân biệt các doanh nghiệp với nhau trong môi trường Internet. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, “Tên miền là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu chấm “.”. Tên miền bao gồm: (1) Tên miền dùng các kí tự dựa trên cơ sở bảng mã ASCII, sau đây gọi là tên miền mã ASCII; (2) Tên miền dùng bảng chữ cái dựa trên cơ sở ngôn ngữ truyền thống của từng quốc gia, sau đây gọi là tên miền đa ngữ (IDN)”. Trong thực tiễn của hoạt động TMĐT, đã có nhiều trường hợp các chủ thể lợi dụng nguyên tắc đăng ký trước sử dụng trước để đăng ký tên miền là nhãn hiệu, tên thương mại hoặc giống đến mức có thể gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại của các chủ thể khác. Hiện tượng này đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp cũng như uy tín của các chủ thể sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại.
Mặc dù ý nghĩa của tên miền trong TMĐT có sự tương đồng với tên thương mại hoặc nhãn hiệu trong thương mại truyền thống, nhưng nếu tên thương mại hoặc nhãn hiệu là đối tượng được bảo hộ với tư cách là quyền sở hữu công nghiệp thì tên miền lại không phải là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp để được bảo hộ theo quy định của pháp luật về SHTT. Thực tế pháp luật về SHTT của Việt Nam có đề cập đến tên miền, nhưng lại đề cập tên miền với tư cách là hành vi cạnh tranh không lành mạnh: đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
Trong trường hợp tên miền của Việt Nam (.vn) trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với đối tượng SHTT đang được bảo hộ thì chủ sở hữu tên miền bị buộc phải thay đổi thông tin tên miền hoặc bị buộc trả lại tên miền hoặc bị thu hồi tên miền. Ngoài ra, nếu tên miền trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên, với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ thì người có quyền, lợi ích hợp pháp của tên, nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài thương mại.
Mặc dù pháp luật của Việt Nam có quy định việc thay đổi thông tin tên miền, trả lại tên miền, thu hồi tên miền hoặc khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài khi tên miền trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên thương mại, nhãn hiệu, nhưng việc quy định khá sơ sài trong pháp luật về SHTT về tên miền đã gây khó khăn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khi bị các chủ thể khác chiếm giữ tên miền.
3. Những hạn chế về sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử
Do các đặc trưng của TMĐT nên việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong TMĐT khó khăn hơn rất nhiều so với thương mại truyền thống.
Việt Nam đã có các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo lập cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền SHTT. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của TMĐT đã làm cho việc bảo vệ quyền SHTT trong TMĐT trở nên khó khăn do Việt Nam chưa có đầy đủ các quy định của pháp luật về SHTT gắn với đặc thù của TMĐT. Các quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay còn có các hạn chế sau:
- Thứ nhất, về quyền tác giả. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì quyền tác giả phát sinh khi tác phẩm được hoàn thành mà không cần tác phẩm đó đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Điều này đã tạo ra rủi ro lớn cho các tác giả khi Việt Nam chưa có các quy định hữu hiệu của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả trong TMĐT. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng đối với các tác phẩm được số hóa, chẳng hạn như giao diện của các trang web TMĐT.
- Thứ hai, về tên miền. Trong TMĐT thì tên miền cũng như tên thương mại hay nhãn hiệu trong thương mại truyền thống là đều dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác. Trong Luật SHTT, nếu tên thương mại là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp thì tên miền không phải là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp mà chỉ được quy định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Góc độ khác, theo quy định của Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tên miền Việt Nam (.vn) là tài nguyên quốc gia. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế thì tài nguyên quốc gia không thuộc đối tượng của Luật SHTT. Như vậy, có thể thấy các quy định của pháp luật Việt Nam về tên miền chưa có sự phù hợp về nội dung quy định cũng như cách tiếp cận. Điều này sẽ tạo ra những rủi ro khi giải quyết các tranh chấp tên miền giống với nhãn hiệu hoặc tên thương mại.
4. Đối tượng cần được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử
Mọi đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ khi được đưa lên sàn thương mại điện tử đều cần được bảo hộ. Đặc biệt, từ những phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng: quyền tác giả và tên miền là hai đối tượng cần đặc biệt bảo hộ. Quyền tác giả được bảo hộ tự động nên việc công chúng xác định đâu là tác phẩm gốc, đâu không phải tác phẩm gốc cũng có những sự hạn chế trên không gian mạng, chỉ cần vài thao tác tin học đơn giản mà người khác đã có thể copy một đoạn văn bản. Hay vấn đề tên miền, không phải mọi người đều có khả năng và thời gian phân biệt tên miền, những tên miền “tương tự” nhau với cùng loại hàng hóa, dịch vụ cũng gây khó khăn cho khách hàng.
5. Tư vấn sở hữu trí tuệ về thương mại điện tử tại TasLaw
Đặt uy tín và quyền lợi của Quý khách hàng lên hàng đầu, cùng đội ngũ chuyên viên dày dặn kinh nghiệm, Taslaw tự tin cung cấp những thông tin pháp lý cần thiết và cùng quý khách hàng hoàn thiện hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về thương mại điện tử một cách nhanh chóng và thuận tiện thông qua những dịch vụ sau:
-
Tư vấn khái quát về quyền, nghĩa vụ của chủ thể khi nộp đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về thương mại điện tử
-
Soạn thảo bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu giúp quý khách hàng, cụ thể hóa yêu cầu của khách hàng
-
Giải quyết sự cố phát sinh trong quá trình làm thủ tục, chịu trách nhiệm trong phạm vi của mình.
Quý khách quan tâm dịch vụ vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH T.A.S
Địa chỉ: Số 4 ngách 56 ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0944 993 480
Email: taslawcompany@gmail.com
Website: https://taslaw.vn