1. Giấy phép xây dựng là gì?
Theo khoản 17 Điều 3 Luật xây dựng 2014 quy định: Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.
Giấy phép xây dựng được phân loại dựa theo tiêu chí thời gian thành 2 loại:
- Giấy phép xây dựng có thời hạn: giấy phép xây dựng cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng.
- Giấy phép xây dựng theo giai đoạn: giấy phép xây dựng cấp cho từng phần của công trình hoặc từng công trình của dự án khi thiết kế xây dựng của công trình hoặc của dự án chưa được thực hiện xong.
2. Trường hợp phải xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ
Nhà ở riêng lẻ là công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định tại Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:
(1) Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
(2) Nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trừ trường hợp được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.
(3) Nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ trường hợp được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;
3. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ
**Đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các khu vực đô thị
(1) Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
(2) Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh;
(3) Thiết kế xây dựng nhà ở phải tuân thủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, công nghệ áp dụng (nếu có); bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác.
Hộ gia đình được tự thiết kế nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12 mét, phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận
(4) Có hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định.
(5) Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng.
(6) Đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
**Đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các khu vực nông thôn
Nhà ở riêng lẻ tại nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
4. Vì sao cần xin giấy phép xây dựng nhà ở?
- Khi xây dựng nhà ở thì chủ đầu tư phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng (trừ trường hợp công trình được miễn) vì những lý do sau đây:
- Đây là thủ tục pháp lý bắt buộc với công trình xây dựng là nhà ở được pháp luật Việt Nam quy định và đang có hiệu lực thi hành.
- Giảm thiểu rủi ro khi xảy ra tranh chấp kiện tụng liên quan đến xây dựng công trình.
- Giấy phép xây dựng giúp tạo điều kiện cho những tổ chức và các hộ gia đình hoặc cá nhân thực hiện thuận lợi các dự án xây dựng một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
- Giấy phép xây dựng giúp cơ quan nhà nước đảm bảo việc quản lý xây dựng theo quy hoạch, giám sát được sự hình thành và phát triển của hạ tầng cơ sở vật chất, bảo vệ những cảnh quan tự nhiên và môi trường, góp phần phát triển những kiến trúc hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
- Nếu là đất nông nghiệp, cần xin giấy phép xây dựng nhà ở và phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
- Khi chủ đầu tư không thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng công trình nhà ở mà vẫn cố tình xây dựng, cơ quan chức năng sẽ xử phạt hành chính và cưỡng chế phá dỡ công trình.
5. Thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ
Bước 1. Chủ đầu tư chuẩn bị 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
(1) Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu.
(2) Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
(3) Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính hai bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, mỗi bộ gồm:
- Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50 - 1/500 kèm theo sơ đồ vị trí công trình;
- Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỷ lệ 1/50 - 1/200;
- Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/50 - 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50 kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 - 1/200.
Trường hợp thiết kế xây dựng của công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, các bản vẽ thiết kế trên là bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp các bản vẽ thiết kế xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định.
(4) Đối với công trình xây chen có tầng hầm, ngoài các tài liệu (1), (2), (3), hồ sơ còn phải bổ sung bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận biện pháp thi công móng của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận.
(5) Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết của chủ đầu tư bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.
Bước 2: Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cho UBND cấp huyện nơi xây dựng để được giải quyết cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư.
Bước 3: Nhận kết quả.
6. Thời hạn giải quyết:
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp huyện xem xét hồ sơ, cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.
Trường hợp cần phải xem xét thêm thì UBND cấp huyện sẽ thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định.
7. Lệ phí cấp giấy phép xây dựng:
Thực hiện theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi chủ đầu tư xin giấy phép xây dựng.
Lệ phí cấp giấy phép xây dựng của một số tỉnh thành có thể tham khảo dưới đây:
a/ Thành phố Hà Nội
Mức thu lệ phí:
- Cấp mới đối với nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép): 75.000 đồng/lần
- Cấp mới đối với công trình khác: 150.000 đồng/lần
- Gia hạn giấy phép xây dựng: 15.000 đồng/lần
(Căn cứ tại Điểm b Khoản 2 Mục A Danh mục các khoản phí và lệ phí ban hành kèm theo Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020).
b/ Bắc Ninh
- Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ: 75.000 đồng/giấy phép.
- Cấp giấy phép xây dựng các công trình khác: 500.000 đồng/giấy phép.
(Nghị quyết 59/2017/NQ-HĐND ngày 12/7/2017).