Trong xu thế hội nhập toàn cầu, các giao dịch dân sự quốc tế ngày càng gia tăng. Đồng thời, phát sinh nhiều vụ việc, tranh chấp dân sự giữa công dân, pháp nhân các nước, đặc biệt là tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Tranh chấp hợp đồng đang diễn ra tương đối phức tạp, do đó việc giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu nước ngoài có đòi hỏi phải được giải quyết một cách thỏa đáng, thấu tình đạt lý. Trong bài viết này, Taslaw sẽ đem tới cho Quý bạn đọc những thông tin hữu ích về giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
1. Khi nào phát sinh tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài
Ở Việt Nam, chưa có một định nghĩa “hợp đồng có yếu tố nước ngoài” là gì? Tuy nhiên dựa vào các quy định về mua bán hàng hóa quốc tế (Khoản 1, Điều 27 Luật Thương mại 2005) và quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (Khoản 2, Điều 464 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 , Khoản 2 Điều 663 Bộ luật dân sự 2015) ta có thể rút ra kết luận một hợp đồng có yếu tố nước ngoài có một trong các yếu tố:
- Có ít nhất một bên chủ thể của quan hệ hợp đồng là người nước ngoài, tổ chức, pháp nhân người nước ngoài;
- Các bên tham gia ký kết hợp đồng có nơi cư trú ở các nước khác nhau (cá nhân), hoặc có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau (pháp nhân);
- Căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ hợp đồng theo pháp luật nước ngoài;
- Đối tượng của hợp đồng là tài sản đang tồn tại ở nước ngoài.
Tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài sẽ nảy sinh khi các bên mâu thuẫn, xung đột trong lợi ích, quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện và chấm dứt hợp đồng.
2. Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài
2.1. Giải quyết bằng hình thức thương lượng
Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp mà hai bên sẽ cùng nhau trình bày quan điểm, chính kiến, hóa giải bất đồng, tìm các biện pháp thích hợp để tự giải quyết, thỏa thuận mà không cần đến sự phán xử của người thứ ba.
-
Ưu điểm: Đơn giản, không bị ràng buộc bởi thủ tục pháp lý, ít tốn kém và quan trọng là vẫn giữ được sự hợp tác bền chặt của các bên nhất là trong mối quan hệ kinh doanh. Phương thức này trở nên khá phổ biến hiện nay với những tập đoàn, công ty muốn bảo vệ bí mật kinh doanh và hình ảnh của họ trước công chúng.
-
Hạn chế: Nếu hai bên thiếu thiện chí thì kết quả thành công không cao. Kết quả thương lượng không mang tính bắt buộc, giá trị pháp lý.
2.2. Giải quyết bằng hình thức hòa giải
Hòa giải là hình thức giải quyết mà các bên trong quá trình thương lượng có sự tham gia của các bên thứ ba độc lập do hai bên chỉ định làm vai trò trung gian để hỗ trợ họ tìm ra biện pháp giải quyết những xung đột và tranh chấp.
-
Ưu điểm: Tương đối đơn giản và mềm dẻo. Khi có sự tham gia của người thứ ba giàu kinh nghiệm, am hiểu chuyên môn thì quá trình đàm phán sẽ diễn ra thuận lợi hơn. Ngoài ra, tại Điều 16, Nghị định 22/2017/NĐ- CP quy định “Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”.
-
Hạn chế: Kết quả được thực hiện dựa trên sự tự nguyện của hai bên. Việc cung cấp thông tin cho người thứ ba cũng dễ bị lộ thông tin.
2.3. Giải quyết thông qua tòa án
Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử mang tính quyền lực nhà nước, được tiến hành theo một trình tự thủ tục nghiêm ngặt. Khi có bản án và quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành sẽ được cưỡng chế thực hiện bằng sức mạnh của nhà nước.
-
Ưu điểm: Giải quyết của tòa án mang tính chính xác, công bằng, khách quan cao. Phán quyết của tòa án mang sự chắc chắn, đảm bảo thi hành bằng sức mạnh của Nhà nước.
-
Hạn chế: Sử dụng một khoản chi phí lớn trong tố tụng, thời gian giải quyết dài, ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của các bên (trong trường hợp là các doanh nghiệp, tập đoàn). Thêm đó, nguyên tắc xét xử công khai của Tòa án không phù hợp với các doanh nghiệp, có thể làm giảm uy tín hay lộ thông tin bí mật.
2.4. Giải quyết bằng trọng tài thương mại
Giải quyết bằng trọng tài thương mại được hiểu là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua phán quyết của một bên thứ ba (Trọng tài viên) độc lập, có tính chất ràng buộc và các bên buộc phải tôn trọng và thực hiện phán quyết đó. Trọng tài thường có hai hình thức là: trọng tài vụ việc và trọng tài thương thực (thường là trung tâm trọng tài thương mại)
-
Ưu điểm: Phương án này được áp dụng phổ biến và rộng rãi vì đảm bảo tính tự chủ của các bên tranh chấp. Lợi thế của nó mang lại là giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, ít tốn thời gian, tiền bạc, thủ tục đơn giản, ngắn gọn, đảm bảo bí mật vụ việc. Hiệu lực của quyết định trọng tài mang tính chung thẩm, hiệu lực cuối cùng các bên sẽ không được kháng cáo và phải nghiêm túc thực hiện.
-
Hạn chế: Việc thi hành quyết định dựa vào sự tự nguyện của các bên, quyết định chung thẩm không thể kháng cáo hay yêu cầu xét xử lại.
3. Luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài
3.1. Nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Căn cứ vào Điều 664, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nguyên tắc xác định luật áp dụng với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung và quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài nói riêng như sau:
1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
3.2. Xác định năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự đối với cá nhân người nước ngoài
Năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của cá nhân người nước ngoài được xác định căn cứ vào luật quốc tịch của cá nhân đó.
Cụ thể vấn đề pháp lý này được quy định tại Điều 673 Bộ luật dân sự 2015:
- Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch
- Người nước ngoài tại Việt Nam có pháp luật dân sự như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.
- Năng lực hành vi dân sự đối với người nước được quy định tại điều 674 với những nội dung sau:
- Xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch
- Cá nhân người nước ngoài xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tại Việt Nam thì hành vi dân sự được xác định theo pháp luật Việt Nam.
3.3. Xác định quốc tịch và năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài
Quốc tịch và năng lực pháp luật của pháp nhân nước ngoài được quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2016 như sau:
- Năng lực pháp luật dân sự được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch.
- Trường hợp pháp nhân thực hiện giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự được xác định theo pháp luật Việt Nam.
3.4. Quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân có yếu tố nước ngoài
Quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân có yếu tố nước ngoài được quy định lần lượt tại các điều 677, 678, 679, 680, 681, 683 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể một số quan hệ:
Quan hệ sở hữu, quan hệ tài sản:
-
Pháp luật Việt Nam áp dụng hệ thuộc luật pháp luật của nước nơi tài sản được chuyển đến hoặc thuộc luật do các bên thỏa thuận lựa chọn trên đường vận chuyển. (Theo khoản 2 Điều 678 Bộ luật dân sự 2015)
-
Nguyên tắc luật nơi có tài sản được quy định để định danh tài sản “Việc phân loại tài sản là động sản, bất động sản được xác định theo pháp luật nơi có tài sản.”
-
Đối với quan hệ sở hữu và quan hệ tài sản trong lĩnh vực hàng không dân dụng và hàng hải quốc tế, áp dụng hệ thuộc luật quốc kỳ hoặc hệ thuộc luật nơi đăng ký (Khoản 1 điều 4 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006, Điều 3 Bộ luật hàng hải Việt Nam)
Quyền sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ.
Thừa kế
Căn cứ vào Điều 680 Bộ luật dân sự 2015, việc áp dụng pháp luật thừa kết sẽ tuân theo pháp luật nơi người để lại tài sản thừa kế là công dân ngay trước khi chết.
Trong trường hợp người để lại di sản thừa kế không có quốc tịch hoặc hai hay nhiều quốc tịch thì áp dụng thừa kế theo Điều 673 Bộ luật dân sự 2015.
4. Thẩm quyền giải quyết khi có yếu tố nước ngoài
4.1. Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung và giải quyết tranh chấp hợp đồng nói riêng được quy định tại Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Thẩm quyền chung được hiểu là các dấu hiệu để các nước xác định thẩm quyền như: lãnh thổ, quốc tịch, sự lựa chọn của các bên. Cụ thể:
Dấu hiệu quốc tịch:
- Nguyên đơn/ bị đơn là người Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài tại Việt Nam
- Quan hệ hợp đồng được xác lập, thay đổi, chấm dứt, quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.
Dấu hiệu lãnh thổ:
- Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam
- Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam
- Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam
- Giao kết hợp đồng được xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Sự lựa chọn của các bên
Bộ luật tố tụng dân sự 2015 không có quy định trực tiếp về sự lựa chọn của các bên, tuy nhiên bộ luật quy định cho phép các bên thay đổi lựa chọn trọng tài hoặc tòa án nước ngoài bằng thỏa thuận lựa chọn tòa Việt Nam.
Thỏa thuận của các bên phải được lập thành văn bản.
4.2. Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
Thẩm quyền riêng của Tòa án Việt Nam mang tính chất tuyệt đối, buộc phải tuân thủ (trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác).
Căn cứ vào Khoản 1, Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã quy định những tranh chấp liên quan tới tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài như sau:
- Quyền đối với tài sản, bất động sản có trên lãnh thổ VIệt Nam
- Trong hợp đồng ký kết, các bên lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
4.3. Trường hợp không thay đổi thẩm quyền giải quyết của tòa án Việt Nam
Căn cứ vào Điều 471 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đã được một Tòa án Việt Nam thụ lý giải quyết theo quy định về thẩm quyền của Bộ luật này thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết có sự thay đổi quốc tịch, nơi cư trú, địa chỉ của các đương sự hoặc có tình tiết mới làm cho vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền của Tòa án khác của Việt Nam hoặc của Tòa án nước ngoài.”
5. Pháp luật nước nào sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp
Căn cứ vào Điều 683 Bộ luật dân sự Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài, thường được áp dụng pháp luật nước mà do các bên lựa chọn (trừ trường hợp theo quy định của pháp luật.) Trong trường hợp các bên không lựa chọn luật áp dụng thì pháp luật của nước có quan hệ gắn bó nhất đối với hợp đồng sẽ được ưu tiên áp dụng.
Dựa vào khoản 2, Điều 683 Bộ luật dân sự 2015, “pháp luật của nước có quan hệ gắn bó nhất” được hiểu như sau:
- Pháp luật của người bán cư trú và làm việc đối với hợp đồng mua bán hàng hóa.
- Pháp luật nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc với hợp đồng lao động có yếu tố nước ngoài.
- Pháp luật nơi người tiêu dùng cư cứ với hợp đồng tiêu dùng.
- Pháp luật của nước người cung cấp dịch vụ cư trú (đối với hợp đồng dịch vụ).
- Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền. sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài bằng sự thỏa thuận thì, pháp luật nước nào được áp dụng theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
6. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài
Căn cứ điều 687 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài như sau:
1. Các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng.
2. Trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có nơi cư trú, đối với cá nhân hoặc nơi thành lập, đối với pháp nhân tại cùng một nước thì pháp luật của nước đó được áp dụng.
7. Giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài tại TasLaw
Giải quyết tranh chấp là việc lựa chọn thủ tục phù hợp để giải quyết mâu thuẫn, bất đồng về lợi ích, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Giải quyết tranh chấp không dễ dàng, cần những người có chuyên môn vững vàng, kinh nghiệm dày dặn. Taslaw với bề dày những trải nghiệm và xử lý những tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài sẽ cung cấp cho Quý khách hàng những dịch vụ uy tín, tận tâm sau:
- Tư vấn tổng quan những quy định pháp luật về tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài và cách phương án giải quyết
- Lựa chọn và phân tích cho phương án giải quyết tranh chấp hiệu quả, đúng pháp luật nhất cho khách hàng
- Chuẩn bị tư liệu, thu thập chứng cứ và soạn thảo các văn bản liên quan đến khởi kiện ra Tòa án hoặc trọng tài thương mại theo thỏa thuận của các bên
- Đại diện khách hàng giải quyết tranh chấp tại tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Quý khách quan tâm dịch vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH T.A.S
Địa chỉ: Số 4 ngách 56 ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0944 993 480
Email: taslawcompany@gmail.com
Website: https://taslaw.vn