Quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề được quan tâm và ngày càng phát triển trong những năm gần đây. Do đó, tần suất các tranh chấp về sở hữu trí tuệ sẽ ngày càng gia tăng là điều tất yếu. Có thể nói đây là một loại tranh chấp đặc thù phát sinh từ tính vô hình của các đối tượng sở hữu trí tuệ. Luật sở hữu trí tuệ thực tế ở Việt Nam vẫn còn rất mới và còn chưa được phổ biến, chẳng hạn như tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu, chưa được cập nhật rộng rãi cho người dùng. Hơn nữa, để tham gia giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ, bên cạnh kiến thức pháp luật, doanh nghiệp cũng cần có kỹ năng tốt để bảo vệ lợi ích của chính mình và hạn chế rủi ro. Bài viết dưới đây, TASLAW xin giới thiệu tới các bạn về vấn đề Tranh Chấp và Giải Quyết Tranh Chấp Sở Hữu Trí Tuệ.
1. Khái niệm giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của cá nhân, tổ chức đối với những tài sản trí tuệ, đó là những tài sản được sản xuất từ trí óc, qua hoạt động tư duy của con người. Tài sản về sở hữu trí tuệ là loại tài sản vô hình nên rất khó để có thể kiểm soát trong xã hội, tuy nhiên mặt khác nó lại đem về những lợi ích tinh thần và kinh tế vô cùng to lớn cho tác giả và chủ sở hữu, từ đó dẫn đến các trường hợp về tranh chấp phát sinh.
Như vậy, Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là những tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và những xung đột về lợi ích kinh tế, tinh thần từ việc sử dụng, khai thác các đối tượng đó.
Từ hai khái niệm ở trên về Quyền sở hữu trí tuệ và Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thì ta có thể rút ra được, Giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét và ra quyết định xử lý các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, trên cơ sở xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong vụ việc tranh chấp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
2. Các đặc điểm của tranh chấp sở hữu trí tuệ
Tranh chấp về sở hữu trí tuệ cũng có những đặc điểm tương tự như những tranh chấp trong các lĩnh vực khác, cơ bản có những đặc điểm sau đây:
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ có tính đa dạng và phức tạp: Việc nhận thức và đánh giá chính xác bản chất và tình huống tranh chấp rất khó khăn, thậm chí đối với cả chính các bên tham gia tranh chấp và bên giải quyết một phần do sở hữu trí tuệ thường được áp dụng trong các lĩnh vực về khoa học công nghệ, nghệ thuật…. Từ đó, để giải quyết tranh chấp đòi hỏi phải được giải quyết bởi chuyên gia, những người có trình độ cả về pháp luật lẫn lĩnh vực của đối tượng tranh chấp.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thường có tính đa quốc gia: Một yếu tố khác làm phức tạp tranh chấp sở hữu trí tuệ là tính xuyên quốc gia. Tranh chấp có thể phát sinh giữa các chủ thể có quốc tịch khác nhau và tranh chấp không bị giới hạn bởi phạm vi không gian. Vì vậy, khi các bên tham gia giải quyết tranh chấp, họ nên tìm hiểu một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả cho cả hai bên và được công nhận rộng rãi.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi tính bảo mật cao: Không chỉ tranh chấp, hầu hết các giao dịch sở hữu trí tuệ đều cần có sự bảo mật, đặc biệt là các giao dịch về quyền sáng chế và bí mật kinh doanh. Trên thực tế, nhiều tranh chấp xảy ra do việc bộc lộ, sử dụng trái phép thông tin là bí mật kinh doanh mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ là các tranh chấp dân sự (theo nghĩa rộng): Đây là những tranh chấp phát sinh từ các giao dịch riêng giữa các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Việc giải quyết các tranh chấp này chủ yếu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức.
3. Các phương thức giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ
3.1. Thương lượng
Cũng như các tranh chấp trong các lĩnh vực khác, thương lượng là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp chủ yếu được các chủ thể tìm đến dựa trên các nguyên tắc tự do, tự thỏa thuận. Có thể nói đây là giải pháp “nội bộ”, bởi trong trường hợp không có sự can thiệp của bên thứ ba, các bên tranh chấp sẽ tham khảo ý kiến của nhau để đi đến thống nhất cuối cùng về cách giải quyết xung đột.
Đặc biệt, phương pháp đàm phán là một phương pháp rất hiệu quả do tính linh hoạt của nó. Khi thương lượng, các bên sẽ đi đến thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi các quy định của pháp luật. Theo pháp luật Việt Nam, thương lượng là một phương thức giải quyết tranh chấp được ghi nhận theo Điều 317 luật Thương mại 2005 về hình thức giải quyết tranh chấp, ngoài ra không có quy định nào khác điều chỉnh phương thức này.
Tuy nhiên, các thỏa thuận đạt được từ thỏa thuận sẽ được các bên thực hiện trên tinh thần tự nguyện mà sẽ không có quy chế pháp lý nào đảm bảo cho việc đó.
3.2. Hòa giải
Khác với thương lượng, hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba, đó có thể là cá nhân hoặc tổ chức được chỉ định hoặc chấp nhận là trung gian, vai trò của bên thứ ba là hỗ trợ, thuyết phục các bên trong tranh chấp tìm ra giải pháp để giải quyết xung đột. Phương thức hòa giải mặc dù có sự tham gia của bên thứ ba nhưng vẫn tương tự với thương lượng, thỏa thuận của các bên luôn được tôn trọng và tự nguyện.
Hòa giải có thể được thực hiện trong tố tụng và hòa giải ngoài tố tụng. Hòa giải trong tố tụng được thực hiện với tư cách là một bước trong thủ tục tố tụng của Tòa án hay trọng tài. Trong tố tụng, hòa giải được coi là một nguyên tắc được khuyến khích khi các bên xảy ra tranh chấp, điều 58 Luật Trọng tài thương mại quy định:
“Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.”
Trong thủ tục tố tụng tại tòa án, hòa giải là bước đầu tiên và cũng là một thủ tục bắt buộc, nếu các bên thống nhất được phương án giải quyết thì thỏa thuận đó sẽ được tòa án công nhận và có hiệu lực ngay mà không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Theo Điều 10 Bộ luật tố tụng dân sự:
“Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.”
3.3. Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại cũng là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên tự nguyện lựa chọn, tranh chấp được giải quyết và xét xử thông qua việc thành lập Hội đồng trọng tài, phán quyết của Hội đồng trọng tài có giá trị ràng buộc đối với các bên.
Trọng tài thương mại ở Việt Nam được tổ chức dưới hình thức trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động theo pháp luật và quy tắc trọng tài. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, trọng tài viên không được sử dụng quyền lực của nhà nước như tòa án. Tuy nhiên, phán quyết của trọng tài có giá trị ràng buộc đối với các bên.
Để được giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì các bên phải có thỏa thuận trọng tài. Trường hợp hai bên tranh chấp đã đạt được thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án không thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không được thực hiện.
3.4. Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng tòa án
Giải quyết tranh chấp bằng tòa án là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của tòa án – cơ quan tài phản Nhà nước, nhân danh quyền lực Nhà nước để đưa ra phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành. Khác với thương lượng, hòa giải và trọng tài, việc giải quyết tranh chấp chỉ có thể thực hiện được nếu có sự thống nhất ý chí, sự tự nguyện thỏa thuận của các bên. Nhưng đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án, sự thỏa thuận của các bên không phải là điều kiện bắt buộc để vụ tranh chấp được đưa ra tòa án giải quyết.
Tòa án có thể thụ lý giải quyết vụ tranh chấp khi nhận được yêu cầu của một bên. Đây chính là một ưu thế của tòa án so với các phương thức giải quyết tranh chấp còn lại, khi mà các bên không đạt được sự thỏa thuận cần thiết trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp.
4. Thực trạng tình hình giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ
Tranh chấp sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam. Trên thực tế, hiện nay các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ chủ yếu được giải quyết thông qua thương lượng. Hình thức giải quyết tranh chấp này tuy đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các bên tranh chấp nhưng lại không được điều chỉnh bởi bất kỳ khung pháp lý nào nên gây khó khăn cho các cơ quan trong nước trong việc tiếp nhận, quản lý và xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, mặc dù hòa giải thương mại và trọng tài thương mại mang lại nhiều thuận lợi cho các bên trong tranh chấp về thời gian, hiệu quả và chi phí giải quyết nhưng số lượng tổ chức, cá nhân được sử dụng các hình thức này còn hạn chế. Các vụ việc về sở hữu trí tuệ được giải quyết thông qua hòa giải thương mại và trọng tài thương mại ở Việt Nam không nhiều.
Tương tự, số vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xét xử tại tòa án cũng không đáng kể. Từ đó đã phần nào phản ánh được thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan tới kinh doanh, thương mại nói chung và sở hữu trí tuệ nói riêng ở Việt Nam.
5. Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
-
Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
-
Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
-
Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.
6. Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ tại TasLaw
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ tư vấn, soạn thảo các loại hợp đồng được pháp luật Việt Nam quy định cho khách hàng, Taslaw tự tin vào chất lượng dịch vụ và chuyên môn của đội ngũ, nhân viên. Chúng tôi sẽ giúp khách hàng Tư vấn các loại thủ tục và Hoàn thiện Hợp đồng theo yêu cầu một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Quý khách quan tâm dịch vụ vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH T.A.S
Địa chỉ: Số 4 ngách 56 ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0944 993 480
Email: taslawcompany@gmail.com
Website: https://taslaw.vn