Trong quá trình kinh doanh, hoạt động, các doanh nghiệp khó tránh khỏi trường hợp tranh chấp nội bộ hoặc trong xã hội, gặp phải các thủ tục pháp lý phức tạp hay mâu thuẫn trong thỏa thuận hợp đồng với khách hàng. Chính vì vậy, hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp ra đời để bên cung ứng dịch vụ là các công ty tư vấn mang đến cho các doanh nghiệp giải pháp hợp lý nhất cho những vấn đề này. Trong bài viết này, Taslaw xin cung cấp đến Quý khách hàng những vấn đề chung về hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp và mẫu hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp hiện nay.
1. Hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp là gì?
Theo quy định hiện nay, pháp luật Việt Nam không có một định nghĩa chính xác cho hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp. Trên thực tiễn kinh doanh và nghiên cứu, hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp hay còn gọi là hợp đồng tư vấn quản lý doanh nghiệp là một hợp đồng dịch vụ.
Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Như vậy, có thể hiểu hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp là hợp đồng dịch vụ được xác lập giữa bên cung ứng dịch vụ là công ty cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý doanh nghiệp hoặc các công ty luật và bên sử dụng dịch vụ là doanh nghiệp. Bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ tư vấn cho bên cung ứng dịch vụ.
Hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp có thể là hợp đồng tư vấn thường xuyên hoặc hợp đồng tư vấn theo vụ việc.
2. Chủ thể và đối tượng của hợp đồng tư vấn doanh nghiệp
Chủ thể của hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp là bên cung ứng dịch vụ tư vấn và bên sử dụng dịch vụ. Thông thường, bên sử dụng dịch vụ là các doanh nghiệp và bên cung ứng dịch vụ là các công ty luật hoặc các công ty khác cung cấp dịch vụ tư vấn. Ví dụ: Hợp đồng tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp giữa Công ty A (bên sử dụng dịch vụ) và Công ty Luật TNHH T.A.S (bên cung ứng dịch vụ).
Đối tượng của hợp đồng tư vấn doanh nghiệp là công việc mà bên cung ứng dịch vụ phải làm. Mỗi hợp đồng sẽ được xác định đối tượng riêng, thông thường hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp có đối tượng là công việc tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp và các công việc hỗ trợ liên quan hoặc công việc quản lý doanh nghiệp và các công việc hỗ trợ liên quan. Tùy theo mục đích và khả năng của các chủ thể mà đối tượng của hợp đồng có thể thay đổi, tuy nhiên phải đáp ứng điều kiện tại Điều 514 Bộ luật Dân sự 2015, đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được và không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
3. Mẫu hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------***------
HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ TƯ VẤN THƯỜNG XUYÊN
Số: …/202…/HĐTVTX
Căn cứ Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14 tháng 06 năm 2005;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu của các bên.
Hợp đồng dịch vụ tư vấn thường xuyên Doanh nghiệp (sau đây được gọi là “Hợp Đồng”) được lập ngày … tháng … năm 2020, tại ………………./.bởi và giữa:
1. …………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..………
Địa chỉ : ……………………………………………………………………..……………………………………………………………………………..………
Điện thoại : ……………………………………………………………………….………………………………………………………………………..………
Mã số thuế : ………………………………………………………………………………………………………………………………………………..………
Người đại diện : …………………………………………………………………………………………………………………………………………..………
Chức vụ : ……………………………………………………………………..…………………………………………………………………………..………
(Sau đây được gọi là “Bên A")
2. ……………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………..………
Địa chỉ : …………………………………………………………………….…………………………………………………………………………………..………
Điện thoại : ……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..………
Mã số thuế : …………………………………………………………………….……………………………………………………………………………..………
Người đại diện : ……………………………………………………………………..…………………………………………………………………………..………
Chức vụ : ……………………………………………………………………..…………………………………………………………………………………..………
(Sau đây được gọi là “Bên B")
(Bên A và Bên B sau đây được gọi riêng là “Bên”, gọi chung là “Các Bên”)
XÉT THẤY
- Bên A là một công ty được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Bên A mong muốn chỉ định Bên B là bên tư vấn pháp lý để cung cấp cho Bên A các dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, thường xuyên liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bên A;
- Bên B là một công ty được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, có đầy đủ tư cách pháp lý, năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và mong muốn được cung cấp dịch vụ pháp lý và hỗ trợ Bên A thực hiện những công việc nói trên.
BỞI VẬY, NAY, các Bên đồng ý ký kết Hợp đồng này với các điều khoản và điều kiện như sau:
ĐIỀU 1: PHẠM VI HỢP ĐỒNG
1. Bên A, bằng Hợp đồng này, chỉ định Bên B sẽ là bên tư vấn pháp lý thường xuyên liên quan đến các hoạt động kinh doanh của Bên A. Theo đó, Bên B sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn, và/hoặc làm đại diện pháp lý theo yêu cầu của Bên A trên cơ sở hợp tác lâu dài, thường xuyên.
Bên A lựa chọn gói dịch vụ : …………………………………………đồng/tháng, gồm:………………………………………………………………
-
Rà soát ….. hợp đồng kinh tế/ tháng
-
Rà soát ……văn bản, công văn, đơn từ của doanh nghiệp mỗi tháng
-
Trả lời……. câu hỏi về pháp luật qua email hoặc tổng đài mỗi tháng
2. Phạm vi của dịch vụ và sự hỗ trợ do Bên B cung cấp cho Bên A theo quy định tại khoản 1 Điều 1 nêu trên sẽ bao gồm nhưng không giới hạn các nội dung sau:
a) Cung cấp ý kiến tư vấn pháp lý về các vấn đề phát sinh liên quan đến các hoạt động kinh doanh, cũng như các vấn đề liên quan đến tổ chức nội bộ của Bên A như các quy định về lao động, thuế, bảo hiểm mua bán hàng hóa quốc tế, sở hữu trí tuệ, xuất nhập khẩu, quy chế làm việc nội bộ, quy chế tài chính, luật thương mại, luật đấu thầu, luật doanh nghiệp… khi được yêu cầu như:
- Tư vấn pháp luật về sử dụng lao động trong doanh nghiệp: tư vấn các liên quan đến lao động; tư vấn xây dựng hợp đồng lao động (đối với nhân viên, các vị trí quản lý, giám đốc và lao động thời vụ…); tư vấn quản lý, sử dụng lao động trong doanh nghiệp (luân chuyển vị trí công tác, thăng chức, giáng chức, tiền lương, phụ cấp, thưởng – phạt, kỷ luật, sa thải nhân viên.); tư vấn chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp cụ thể;
- Nghiên cứu hồ sơ, tư vấn giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động của Bên A.
b) Thực hiện rà soát và bình luận đối với bất kỳ tài liệu pháp lý hoặc hợp đồng thương mại nào của Bên A khi được yêu cầu như:
- Rà soát, tư vấn Hồ sơ điều hành doanh nghiệp bao gồm: Quy chế hoạt động (quy chế quản lý điều hành, quy chế tài chính kế toán, quy chế mua bán, quy chế phòng kinh doanh, quy chế quản lý chất lượng, quy chế tuyển dụng/ đánh giá nhân viên/ lương thưởng, quy chế quản lý hợp đồng….); Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên….; Các văn bản hành chính như mẫu quyết định của Ban Giám Đốc, phòng kinh doanh, Phòng tài chính kế toán, phòng hành chính nhân sự, phòng kỹ thuật….
- Rà soát, tư vấn Hồ sơ pháp lý doanh nghiệp, bao gồm: điều lệ công ty; thỏa thuận, biên bản góp vốn của các thành viên; hợp đồng, biên bản chuyển nhượng vốn góp/ cổ phần giữa các thành viên; hợp đồng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, biên bản bàn giao; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; các thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; hồ sơ thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Rà soát, tư vấn các hợp đồng, văn bản của doanh nghiệp: các loại hợp đồng (hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng góp vốn, hợp đồng chuyển nhượng, cổ phần/ vốn góp, hợp đồng thuê/ cho thuê, hợp đồng vay/ cho vay tài sản, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng xây dựng, hợp đồng đại lý….; các loại văn bản (biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, các quyết định của Ban Giám Đốc, Phòng kinh doanh, Phòng tài chính Kế toán, Phòng hành chính nhân sự, phòng sản xuất….)
c) Tư vấn, hỗ trợ Bên A trong việc soạn thảo các tài liệu, văn bản pháp lý nội bộ, hợp đồng thương mại, văn bản giao dịch với các đối tác.
d) Tư vấn, hỗ trợ, đi cùng hoặc đại diện cho Bên A liên hệ với các cơ quan nhà nước hoặc đàm phán đối tác. (*)
(*) Phí dịch vụ của điều này được gọi là phí bổ sung, được tính riêng và quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 4 Hợp đồng này.
3. Khối lượng công việc quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 của Hợp đồng này được tính theo số giờ thực tế Bên B thực hiện công việc. Hai bên sẽ thống nhất số giờ làm việc sau khi kết thúc mỗi công việc.
4. Ngoài những nội dung được quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp cần thiết và theo yêu cầu của Bên A, Các Bên sẽ ký kết Phụ lục hợp đồng nhằm ghi nhận các thỏa thuận chi tiết về công việc cụ thể có thể phát sinh ngoài các nội dung được nêu trong Hợp đồng này.
ĐIỀU 2: TRÁCH NHIỆM CỦA BÊN B
1. Phù hợp với phạm vi cung cấp dịch vụ được quy định tại Điều 1 của Hợp Đồng, trong suốt thời hạn của Hợp đồng này Bên B sẽ cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp bằng các văn bản chính thức cho Bên A theo yêu cầu của Bên A để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bên A và chịu trách nhiệm với các ý kiến tư vấn đã cung cấp;
2. Bên B chỉ định luật sư có kỹ năng và trình độ phù hợp để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ trong khoảng thời gian hợp lý theo yêu cầu của Bên A;
3. Bên B sẽ cung cấp đúng và đầy đủ cho Bên A các hoá đơn và chứng từ thanh toán theo quy định của Pháp luật sau khi nhận được tiền thanh toán từng quý;
4. Bên B sẽ phải thực hiện theo nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp về vấn đề xung đột quyền lợi và đảm bảo rằng khách hàng mà Bên B đại diện sẽ không có quyền và lợi ích đối kháng với Bên A;
5. Bên B sẽ thông báo ngay lập tức cho Bên A những thay đổi và những vấn đề phát sinh trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ trong thời hạn của Hợp đồng này.
ĐIỀU 3: TRÁCH NHIỆM CỦA BÊN A
1. Cung cấp các thông tin, văn bản, tài liệu liên quan và hỗ trợ cần thiết khác để tạo điều kiện cho Bên B cung cấp các dịch vụ và thực hiện nghĩa vụ của mình tại Hợp đồng này.
2. Chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến nội dung của các tài liệu, văn bản, thông tin cung cấp cho Bên B;
3. Ký, đóng dấu các giấy tờ, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Bên B;
4. Cử cán bộ am hiểu về nội dung và diễn biến của vụ việc để tham gia (khi có yêu cầu) nhằm hỗ trợ Bên B hoàn thành tốt các công việc nêu tại Hợp Đồng này.
5. Thanh toán phí dịch vụ hàng tháng theo quy định tại Điều 4 dưới đây.
ĐIỀU 4: PHÍ DỊCH VỤ VÀ PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN
1. Phí dịch vụ:
a) Phí dịch vụ Bên A phải thanh toán cho Bên B là …………….VN đồng/năm và sẽ được thanh toán 06 (sáu) tháng một (01) lần là ……………VN đồng/06 tháng (Bằng chữ:……………………………………..) vào 10 ngày đầu tiên chu kỳ sử dụng dịch vụ theo Hợp đồng này của mỗi 6 tháng. Khoản phí dịch vụ này đã bao gồm 10% thuế GTGT nhưng không bao gồm bất kỳ khoản chi phí, lệ phí nào khác.
b) Phí dịch vụ bổ sung đối với công việc quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Hợp đồng này là 1.000.000 VN đồng/giờ (Bằng chữ:Một triệu Việt Nam đồng trên giờ). Giờ tính phí sẽ tính cả thời gian Luật sư di chuyển trên đường. Khoản phí dịch vụ này chưa bao gồm 10% thuế GTGT và các chi phí tiền phí xe, máy bay để phục vụ di chuyển.
c) Đối với các khoản phí bổ sung (nếu có) như phí dịch vụ của hợp đồng, thỏa thuận riêng, chi phí thực tế bao gồm phí đi lại, ăn ở của chuyên viên tư vấn khi công tác ngoài phạm vi thành phố nơi có điểm giao dịch của Bên B hoặc đại diện Bên B, chi phí chính thức phải thanh toán cho các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện công việc theo yêu cầu của Bên A và các chi phí hợp lý khác (“Phí Bổ Sung”). Bên B sẽ thông báo cho Bên A về khoản Phí Bổ Sung sẽ được tính thành khoản thanh toán riêng, không được tính vào phí dịch vụ hàng tháng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 4. của Hợp đồng này. Bên B sẽ cung cấp hóa đơn, chứng từ liên quan đến các khoản Phí Bổ Sung.
2. Thanh toán phí dịch vụ
a) Phí dịch vụ sẽ được Bên A thanh toán cho đại diện thu hộ theo thỏa thuận của Bên B bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản ngân hàng vào tài khoản với các thông tin sau:
Tên tài khoản: Công ty B
Số Tài khoản: 12345678910
Mở tại Ngân hàng: Ngân hàng XYZ
b) Bên A sẽ thanh toán lần 01 (một) phí dịch vụ quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 4 nêu trên ngay sau khi Hợp đồng này được ký kết.
Đối với các khoản phí khác quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 4 và điểm c, khoản 1, Điều 4, Bên A sẽ thanh toán cho Bên B trong vòng ba (03) ngày sau khi các Bên thống nhất được số tiền phải thanh toán đối với các khoản phí phát sinh đó.
ĐIỀU 5: BẢO MẬT
Bên B cam kết giữ bí mật các nội dung của Hợp Đồng này, tất cả các thông tin, liên lạc, tài liệu và thoả thuận được cung cấp bởi, được trao đổi với Bên A, các chủ đầu tư của Bên A và tất cả các tài liệu được xem xét, được chuẩn bị bởi Bên B phạm vi hợp đồng và thông tin, tài liệu và các thỏa thuận được biết bởi Bên B trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý theo Hợp Đồng này cho Bên A. Bên B chỉ được phép tiết lộ các thông tin, liên lạc, tài liệu và các thỏa thuận này cho bất kỳ Bên thứ ba hoặc cá nhân khác sau khi nhận được sự chấp thuận trước bằng văn bản của Bên A, trừ trường hợp có yêu cầu của Tòa án nhân dân có thẩm quyền, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Các Bên cam kết giữ bí mật các nội dung của Hợp Đồng này trừ khi có sự chấp thuận trước bằng văn bản từ một trong hai Bên về việc tiết lộ nội dung của Hợp Đồng này cho bên thứ ba.
ĐIỀU 6: CÁC THỎA THUẬN KHÁC
1. Bên A đề xuất và Bên B đồng ý cử Công ty C là bên thứ ba có quyền và nghĩa vụ giám sát quá trình cung cấp dịch vụ của Bên B cho Bên A theo quy định của Hệ thống dịch vụ C
2. Bên B đề xuất và Bên A đồng ý để Bên B ủy quyền cho Công ty C thu hộ phí dịch vụ theo Hợp đồng này.
3. Khi Bên B có vi phạm thuộc trường hợp bị Công ty C yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ cho Bên A theo quy định của Hệ thống dịch vụ C:
a) Bên A và Bên B có trách nhiệm ký Biên bản thanh lý hợp đồng; Bên B có trách nhiệm xuất hóa đơn điều chỉnh giảm phí dịch vụ theo Biên bản thanh lý hợp đồng này cho Bên A;
b) Bên A được Công ty C giới thiệu tổ chức hành nghề phù hợp khác và ký hợp đồng dịch vụ pháp lý mới để tiếp tục thực hiện công việc còn lại của Bên A;
c) Nếu Bên A không đồng ý với bất cứ tổ chức hành nghề nào do Công ty C giới thiệu, thì Công ty C thanh toán cho Bên A phí dịch vụ còn lại theo Biên bản thanh lý hợp đồng đã ký với Bên B.
ĐIỀU 7: LUẬT ĐIỀU CHỈNH VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
1. Hợp đồng này sẽ được điều chỉnh, hiểu, giải thích và thực hiện theo quy định của Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
2. Bất kỳ tranh chấp nào phát sinh từ, hoặc liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết trước tiên thông qua hòa giải trên tinh thần hợp tác. Nếu các Bên không thể giải quyết tranh chấp bằng đàm phán và hòa giải thì tranh chấp đó sẽ được giải quyết thông qua phán quyết cuối cùng của Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam.
ĐIỀU 8: THỜI HẠN, SỬA ĐỔI VÀ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG
1. Hợp Đồng này có hiệu lực 01 năm kể từ ngày … tháng … năm 20… đến ngày …tháng … năm 20…
2. Bất kỳ sự sửa đổi, bổ sung Hợp đồng này phải thực hiện bằng văn bản thỏa thuận có chữ ký xác nhận của các Bên.
3. Hợp Đồng này sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:
a) Các nghĩa vụ của các Bên tại đây đã hoàn thành và trong trường hợp này, các Bên sẽ không có bất kỳ nghĩa vụ nào với bên kia; hoặc
b) Các Bên cùng thống nhất chấm dứt Hợp Đồng bằng văn bản, và trong trường hợp này, các Bên sẽ thỏa thuận về các điều kiện và điều khoản của sự chấm dứt.
c) Thời hạn của Hợp Đồng đã hết mà các Bên không thỏa thuận gia hạn thêm;
d) Một trong các Bên bị phá sản, giải thể.
4. Bên B có quyền đơn phương chấm dứt Hợp Đồng này mà không phải bồi thường đối với bất kỳ tổn thất, thiệt hại nào phát sinh nếu Bên A không thực hiện việc thanh toán theo quy định tại Điều 2 của Hợp Đồng trong thời gian mười lăm (15) ngày kể từ ngày Bên A có nghĩa vụ thanh toán cho Bên B theo quy định tại Hợp Đồng này.
ĐIỀU 9. ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Hợp đồng này được ký thành ba (03) bản gốc bằng tiếng Việt, mỗi bản đều có giá trị như nhau. Bên A giữ 01 bản, bên B giữ 01 bản và công ty C giữ 01 bản.
ĐỂ LÀM BẰNG CHỨNG, các đại diện hợp lệ của Các Bên đã ký kết Hợp đồng này vào ngày ghi ở trên.
BÊN A
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
|
BÊN B
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
|
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp do các bên thỏa thuận, đáp ứng các quy định trong Bộ luật Dân sự 2015:
4.1. Đối với bên sử dụng dịch vụ (các doanh nghiệp)
Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ có quyền yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm hoặc các thỏa thuận khác theo hợp đồng. Trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì doanh nghiệp sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Ngược lại, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ các thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi. Doanh nghiệp còn có nghĩa vụ trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận.
4.2. Đối với bên cung ứng dịch vụ (các công ty luật hoặc công ty tư vấn)
Bên cung ứng dịch vụ có quyền yêu cầu doanh nghiệp sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc. Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên doanh nghiệp sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp đó, nhưng phải báo ngay với doanh nghiệp sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, bên cung ứng dịch vụ có quyền yêu cầu doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.
Ngược lại, bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác. Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên doanh nghiệp sử dụng dịch vụ (Ví dụ: Doanh nghiệp A thuê ông X của công ty tư vấn B thực hiện công việc tư vấn pháp lý doanh nghiệp, nếu thỏa thuận có quy định rõ ràng người thực hiện là ông X thì ông X không được giao cho người khác thực hiện tư vấn cho doanh nghiệp A mà không được sự cho phép của A).
Bên cung ứng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp phải bảo quản và giao lại cho doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc. Bên cung ứng dịch vụ phải báo ngay cho doanh nghiệp sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định và phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
5. Thời hạn hợp đồng của hợp đồng tư vấn quản lý doanh nghiệp
Thời hạn hợp đồng của hợp đồng tư vấn quản lý doanh nghiệp hay hợp đồng tư vấn pháp lý doanh nghiệp do các bên thỏa thuận. Cụ thể thời điểm hợp đồng có hiệu lực, thời hạn thực hiện hợp đồng và thời điểm kết thúc hợp đồng. Ngoài ra, các bên có thể quy định những trường hợp kết thúc hợp đồng. Ví dụ: Các bên thỏa thuận vào ngày 01/12/2026 sẽ kết thúc hợp đồng, tuy nhiên đến ngày 01//12/2023 một trong các bên vi phạm thỏa thuận mà theo hợp đồng sẽ chấm dứt hiệu lực của hợp đồng đó, thì thời điểm kết thúc của hợp đồng sẽ là 01/12/2023.
6. Chấm dứt, đơn phương chấm dứt hợp đồng
Hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp chấm dứt khi bên cung ứng dịch vụ hoàn thành công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trong trường hợp đã đến hạn kết thúc hợp đồng mà công việc chưa hoàn thành và bên cung ứng dịch vụ vẫn tiếp tục thực hiện công việc, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ biết nhưng không phản đối thì hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp đương nhiên được tiếp tục thực hiện theo nội dung đã thỏa thuận cho đến khi công việc được hoàn thành.
Trong trường hợp hợp đồng còn hiệu lực nhưng việc tiếp tục thực hiện công việc theo hợp đồng gây ảnh hưởng bất lợi đến doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời hạn hợp lý. Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
Trường hợp doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
7. Giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp
Giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp tương tự giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ nói chung.
Các lý do phổ biến có thể dẫn đến việc này là:
-
Một bên trong hợp đồng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trái pháp luật.
-
Có sự vi phạm nghĩa vụ nghiêm trọng của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
-
Dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ cung cấp không bảo đảm chất lượng như đã thỏa thuận hoặc vi phạm nội dung thỏa thuận giữa các bên.
-
Theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 4 phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp.
-
Thương lượng: Phương thức mà các bên trong hợp đồng tự thảo luận và quyết định phương án có lợi nhất cho cả hai.
-
Hòa giải: Phương thức mà các bên trong hợp đồng thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hỗ trợ giải quyết tranh chấp. Hòa giải viên không có quyền tài phán, chỉ hỗ trợ giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp. Trình tự, thủ tục hòa giải do pháp luật quy định.
-
Trọng tài: Phương thức mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng việc sử dụng trọng tài để giải quyết khi có tranh chấp và được tiến hành theo quy định của pháp luật trọng tài. Quyết định của trọng tài có tính cưỡng chế và tính chung thẩm.
-
Tòa án: Phương thức mà các bên không thể giải quyết tranh chấp theo thương lượng, hòa giải hay trọng tài hoặc không thỏa thuận cơ quan giải quyết tranh chấp. Tòa án chỉ giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp theo yêu cầu của đương sự và theo đúng thẩm quyền. Phán quyết của Tòa án là bản án, có tính cưỡng chế thi hành.
8. Tư vấn thường xuyên và tư vấn theo vụ việc cho doanh nghiệp
Điểm khác biệt giữa hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp thường xuyên và theo vụ việc là thời điểm giao kết hợp đồng. Đối với hợp đồng tư vấn theo vụ việc, thời điểm giao kết hợp đồng giữa bên cung ứng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp và doanh nghiệp là khi phát sinh vụ việc (tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện, mâu thuẫn nội bộ, ký kết hợp đồng, khởi công dự án, soạn thảo tài liệu, hợp đồng mới…). Đối với hợp đồng tư vấn thường xuyên, thời điểm giao kết hợp đồng giữa bên cung ứng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp và doanh nghiệp là khi doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ, các vụ việc có thể chưa diễn ra.
Một điểm khác biệt nữa ngoài thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm kết thúc hợp đồng. Đối với hợp đồng tư vấn theo thời vụ, hợp đồng kết thúc sau khi vụ việc được giải quyết hoặc theo thời điểm thỏa thuận trong hợp đồng. Đối với hợp đồng tư vấn thường xuyên, bên cung ứng dịch vụ cung cấp dịch vụ thường xuyên cho doanh nghiệp và hợp đồng kết thúc khi đến thời điểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
9. Dịch vụ soạn thảo hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp tại TasLaw
Công ty luật TasLaw với nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn pháp lý về hợp đồng nói chung và hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp nói riêng luôn được Quý khách hàng tin tưởng. Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý chuyên nghiệp, TasLaw xin cung cấp đến Quý khách hàng các dịch vụ như:
-
Tư vấn các quy định về hợp đồng dịch vụ tại Việt Nam, giới thiệu đến Quý khách hàng dịch vụ hợp lý nhất
-
Tư vấn, soạn thảo các hợp đồng theo thỏa thuận trong hợp đồng, rà soát và bảo đảm tính pháp lý cho hợp đồng của Quý khách.
-
Thông báo các quy định pháp luật mới nhất cho Quý khách theo yêu cầu.
-
Rà soát nội quy nội bộ của Quý khách, đánh giá các chính sách quản lý lao động
-
Tư vấn các chính sách về thuế, thủ tục thuế cho doanh nghiệp
-
Các công việc khác theo thỏa thuận
Quý khách quan tâm dịch vụ vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH T.A.S
Địa chỉ: Số 4 ngách 56 ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0944 993 480
Email: [email protected]
Website: https://taslaw.vn