Doanh nghiệp là môi trường làm việc của đa số các cá nhân trong xã hội. Trong một môi trường nơi tập hợp rất nhiều cá nhân, việc phát sinh mâu thuẫn giữa các chủ thể này hoặc giữa một chủ thể xác định với doanh nghiệp là hoàn toàn có thể xảy ra. Trên thực tế, có rất nhiều tranh chấp nội bộ doanh nghiệp đã diễn ra, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên tham gia tranh chấp. Bài viết này sẽ lý giải tranh chấp nội bộ doanh nghiệp là gì và cung cấp một số thông tin đến bạn đọc.
1 Tranh chấp nội bộ doanh nghiệp là gì?
Theo từ điển tiếng Việt, tranh chấp là tranh giành nhau một cách giằng co cái không rõ thuộc về bên nào, sự kiện này diễn ra khi các bên có ý kiến bất đồng, thường là trong vấn đề quyền lợi giữa hai bên. Hiện nay, pháp luật không quy định khái niệm “tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp”, tuy nhiên, dựa theo ngữ cảnh và nội hàm thuật ngữ “tranh chấp”, có thể hiểu tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp là những mâu thuẫn, xung đột trong môi trường hoạt động của doanh nghiệp, giữa những chủ thể trong cùng một doanh nghiệp hoặc giữa các chủ thể trong một doanh nghiệp với chính doanh nghiệp đó.
Với khái niệm này, có thể hiểu tranh chấp nội bộ doanh nghiệp là một loại tranh chấp dân sự, lao động hoặc tranh chấp về kinh doanh, thương mại. Cụ thể, trong quan hệ dân sự, đó có thể là tranh chấp giữa các thành viên trong doanh nghiệp với nhau về các vấn đề thuộc sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Ví dụ, A và B cùng là nhân viên của một công ty, A có sự xúc phạm B, gây nhiều thiệt hại về tinh thần cho B.
Trong quan hệ lao động, đó có thể là tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động, ví dụ: Ông A là công nhân của doanh nghiệp X không đồng ý với quyết định trừ lương của ông B là chủ doanh nghiệp. Trong quan hệ thương mại, tranh chấp nội bộ doanh nghiệp có thể là tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
Thông thường, các tranh chấp nội bộ doanh nghiệp là các tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, thuộc phạm vi giải quyết của Tòa án dân sự.
2 Những lý do dẫn đến tranh chấp nội bộ doanh nghiệp
Tranh chấp nội bộ doanh nghiệp là loại tranh chấp đa dạng, có thể phát sinh trong nhiều lĩnh vực điều chỉnh của pháp luật. Do đó, nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp phát sinh cũng rất lớn. Thông thường, các tranh chấp này thường xuất phát từ việc quản trị của công ty, người đứng đầu công ty, đưa ra các quy định, yêu cầu vượt giới hạn, khả năng của nhân viên hoặc khiến nhân viên công ty gặp nhiều bất lợi.
Ngoài ra, một số tranh chấp có thể phát sinh trong trường hợp không quy định rõ ràng về quyền lợi của nhân viên công ty hoặc quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên là chủ sở hữu công ty. Ví dụ: A và B là hai người bạn thân thiết, vì vậy trong quá trình phân chia quyền lợi lúc thành lập công ty, có những quy định không rõ ràng, gây thiệt hại cho 01 người. Tuy nhiên, một phần vì là người quen thân thiết nên A và B đã bỏ qua, đến khi hoạt động doanh nghiệp một thời gian thì phát sinh tranh chấp, xung đột về quyền và lợi ích của mỗi người.
Mặt khác, các tranh chấp nội bộ doanh nghiệp có thể phát sinh do tác động khách quan của yếu tố bên ngoài. Ví dụ: Trong thời kỳ dịch bệnh covid, do gặp khó khăn trong việc hoạt động, kinh doanh nên nhiều công ty quyết định cắt giảm nhân sự, tuy đại diện công ty đã giải thích nhưng người lao động vẫn không đồng ý với quyết định này và nảy sinh tranh chấp. Như vậy, yếu tố dịch bệnh là yếu tố khách quan, đã gián tiếp khiến cho tranh chấp nội bộ doanh nghiệp diễn ra, mặc dù chủ doanh nghiệp, công ty không muốn đưa ra quyết định đó.
3 Các tranh chấp nội bộ doanh nghiệp thường gặp
Thông thường, các tranh chấp nội bộ doanh nghiệp là các tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, hay nói cách khác là tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty. Cụ thể, các tranh chấp đó có thể là tranh chấp giữa các thành viên của công ty với công ty khi các chủ thể này tranh chấp định giá tài sản khi góp vốn, tranh chấp về việc phân chia lợi nhuận. Hay tranh chấp giữa các thành viên của công ty trong việc lựa chọn người đại diện theo pháp luật…
4 Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ công ty
Tranh chấp nội bộ công ty hay tranh chấp nội bộ doanh nghiệp có thể là tranh chấp dân sự, lao động hoặc kinh doanh, thương mại. Các quan hệ này đều được giải quyết khi phát sinh tranh chấp hoặc có yêu cầu từ các chủ thể tham gia chủ yếu bởi pháp luật tố tụng dân sự. Do đó, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp chủ yếu sẽ theo quy định, nguyên tắc của pháp luật tố tụng dân sự. Các nguyên tắc của pháp luật tố tụng dân sự sẽ được áp dụng khi giải quyết vụ việc tại tòa án, cụ thể các nguyên tắc này hiện nay được quy định tại Chương II Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Ngoài ra, với mỗi công ty, doanh nghiệp sẽ có các nội quy riêng biệt, các nội quy này đã được quy định từ đầu ngay khi thành lập doanh nghiệp hoặc khi các cá nhân tham gia vào công ty. các nội quy đó là một dạng thỏa thuận, được pháp luật dân sự (theo nghĩa rộng) tôn trọng, ưu tiên, vì vậy, việc tôn trọng các quy chế này cũng là một nguyên tắc khi giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tranh chấp nội bộ trong công ty là tranh chấp phát sinh giữa những chủ thể có mối liên hệ mật thiết, vì vậy trước khi các tranh chấp này được giải quyết tại tòa án, các bên nên giải quyết mâu thuẫn ngay tại công ty bằng phương thức thương lượng để giải quyết êm đẹp.
5 Các phương thức giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp
Có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp, tùy theo quan hệ mà tranh chấp đó phát sinh. Thông thường, đối với tất cả các tranh chấp nội bộ doanh nghiệp, phương thức luôn được ưu tiên đó chính là thương lượng. Thương lượng là việc các bên tranh chấp ngồi lại và cùng giải quyết, với tinh thần tự nguyện, tìm kiếm mục tiêu giải quyết êm đẹp.
Một phương thức khác mà các bên tranh chấp có thể lựa chọn, đó chính là hòa giải tại trung tâm hòa giải hoặc hòa giải viên lao động. Hòa giải là việc các bên tranh chấp cùng ngồi lại để trao đổi, giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ doanh nghiệp, với sự tham gia, tổ chức của hòa giải viên, họ sẽ là cầu nối, trung gian giúp các bên giải quyết, tư vấn các phương án có lợi nhất giúp cân bằng lợi ích của cả hai bên theo quy định của Luật Hòa giải. Tuy nhiên, phương thức này chỉ áp dụng nếu tranh chấp nội bộ doanh nghiệp phát sinh trong lĩnh vực lao động hoặc kinh doanh, thương mại.
Tiếp theo, đó chính là giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Phương thức này là việc giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp theo phương thức giải quyết của các bên thỏa thuận và theo pháp luật về trọng tài. Đối với trung tâm trọng tài thương mại, mỗi trung tâm sẽ có các thủ tục, điều kiện, quy tắc tố tụng riêng, nhưng điều kiện tiên quyết đó là giữa các bên tranh chấp phải có thỏa thuận sẽ giải quyết tranh chấp tại trọng tài, tranh chấp này có thể phát sinh trước hoặc sau khi tranh chấp diễn ra. Đối với hội đồng trọng tài lao động, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ thành lập hội đồng bao gồm các thành viên chuyên trách và kiêm nhiệm là đại diện của cơ quan lao động, công đoàn, người sử dụng lao động và đại diện của Hội luật gia hoặc là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực quan hệ lao động ở địa phương.
Cuối cùng, các tranh chấp nội bộ doanh nghiệp có thể giải quyết bằng trọng tài, theo pháp luật tố tụng dân sự. Các vấn đề về thủ tục, điều kiện khởi kiện, nguyên tắc xét xử, quyền và lợi ích của các bên tham gia vào giải quyết được quy định rõ ràng, chi tiết tại Bộ luật Dân sự 2015.
6 Tư vấn giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp tại Taslaw
Công ty luật TasLaw với nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn pháp lý về doanh nghiệp luôn được Quý khách hàng tin tưởng. Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý chuyên nghiệp, TasLaw tận tâm cung cấp đến Quý khách hàng các dịch vụ trọn gói như:
-
Tư vấn các vấn đề chung về pháp luật doanh nghiệp
-
Tư vấn các cách thức giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp theo thông tin của Quý khách
-
Tư vấn, tham gia chuẩn bị tài liệu và trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tố tụng theo yêu cầu của Quý khách hàng
Quý khách quan tâm dịch vụ vui lòng liên hệ: Công ty Luật TNHH T.A.S
Địa chỉ: số 4 ngách 56 ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0944 993 480
Email: taslawcompany@gmail.com
Website: https://taslaw.vn